Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022

Thứ ba, 18/01/2022 14:46
(ĐCSVN) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2022 đã khai mạc tại khu nghỉ dưỡng Alps tại Davos, Thụy Sĩ theo hình thức trực tuyến và kéo dài trong 5 ngày từ 17 - 21/1. Đây là năm thứ 2 liên tiếp sự kiện này không thể diễn ra trực tiếp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022.
(Ảnh: un.org)

Với chủ đề "Cùng nhau làm việc, khôi phục lòng tin", sự kiện lần này được cho sẽ tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng  như các doanh nhân và đại diện các tổ chức xã hội dân sự cùng nhìn nhận lại thực trạng của thế giới trong năm vừa qua cũng như thể hiện quan điểm về tình hình thế giới và định hình giải pháp cho những thách thức quan trọng của năm nay.

Các phiên thảo luận chính năm nay xoay quanh các chủ đề như đại dịch, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi năng lượng, khủng hoảng khí hậu, phát triển bền vững và triển vọng kinh tế toàn cầu. Các diễn giả cũng sẽ chia sẻ quan điểm về hợp tác quốc tế nhằm đẩy lùi đại dịch và phân phối vaccine cũng như thuốc điều trị COVID-19 một cách công bằng.

Trước đại dịch, Diễn đàn Kinh tế thế giới vẫn được tổ chức hàng năm tại Davos của Thuỵ Sĩ, thu hút khoảng 3.000 doanh nhân, chính trị gia, lãnh đạo nhiều quốc gia và lãnh đạo các định chế trụ cột của kinh tế thế giới.

Trong bài phát biểu đặc biệt tại hội nghị ngày 17/1, Tổng Thư ký  Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “sát cánh cùng nhau để biến năm 2022 thực sự trở thành thời khắc của sự phục hồi”.

Ông Antonio Guterres cho rằng: “Trong khi thế giới đang trỗi dậy từ vực sâu của một cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã bị tê liệt vì đại dịch”, thì “sự phục hồi hiện vẫn còn mong manh và không đồng đều trong bối cảnh đại dịch kéo dài, gây ra những thách thức dai dẳng trên thị trường lao động, cùng với đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra, lạm phát gia tăng và bẫy nợ rình rập”. Theo ông, cần có sự chung tay của tất cả mọi người, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Trong bài phát biểu, Tổng Thư ký LHQ đề cập đến sự bình đẳng và công bằng trong tiêm chủng vaccine COVID-19. Ông Antonio Guterres cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng tại các nước thu nhập cao hiện gấp 7 lần so với các nước châu Phi và kêu gọi thế giới cần có sự công bằng trong phân phối vaccine.

“Hai năm qua đã chứng minh một sự thật đơn giản nhưng tàn khốc - nếu bỏ rơi bất kỳ ai, chúng ta sẽ bỏ lại tất cả mọi người", Tổng Thư LHQ nói.

Ông Antonio Guterres cảnh báo: "Nếu không tiêm phòng cho mọi người sẽ phát sinh những biến thể mới lây lan xuyên biên giới, khiến cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế bị đình trệ". 

Tổng Thư ký Guterres cho rằng, cộng đồng quốc tế cần "đối đầu với đại dịch bằng sự bình đẳng và công bằng". 

Để đảm bảo sự công bằng về vaccine, ông Guterres kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vaccine cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX và hỗ trợ địa phương sản xuất các thử nghiệm, vaccine và phương pháp điều trị trên khắp thế giới. Tổng Thư ký LHQ cũng yêu cầu các công ty dược phẩm phải đoàn kết với các nước đang phát triển bằng cách chia sẻ giấy phép, bí quyết và công nghệ để tìm cách thoát khỏi đại dịch.

Ông Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế phải cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Ông nói: “Những gánh nặng của lạm phát kỷ lục, không gian tài khóa bị thu hẹp, lãi suất cao và giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt đang tác động đến mọi nơi trên thế giới và cản trở sự phục hồi, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp giúp hình thành một hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động cho tất cả các quốc gia. Điều này bao gồm làm việc để tái cấu trúc nợ dài hạn, giải quyết tham nhũng và các dòng tài chính bất hợp pháp, đảm bảo hệ thống thuế công bằng...

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký LHQ cho rằng, trong bối cảnh  các nước đang phát triển và các nước thu nhập thấp cần được tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, các nước này cũng cần được hỗ trợ hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và các hệ quả liên quan.

Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, thế giới cần giảm 45% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, ông nhắc lại lời kêu gọi giảm bớt việc sử dụng than đá trong sản xuất cũng như ngừng xây dựng các nhà máy than. Ông Antonio Guterres cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, trong phục hồi kinh tế và hành động vì khí hậu, thế giới không thể lặp lại tình trạng bất bình đẳng đang khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo./.

Hoài Hà (Theo weforum.org, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực