Lạm phát Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ

Thứ năm, 11/11/2021 18:11
(ĐCSVN) – Ngày 10/11, dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tháng 10 vừa qua tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/1990.
Lạm phát Mỹ đạt mức cao nhất trong vòng 3 thập kỷ. (Ảnh: Xinhua) 

CPI đã tăng 0,9% so với tháng 9 và 6,2% trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 10. Trước đó, các nhà phân tích dự báo chỉ số CPI sẽ tăng 0,5% trong tháng 10 và 5,8% trong giai đoạn 12 tháng tính đến hết tháng 10.

Theo số liệu thống kê, lạm phát trong năm tăng là do giá cả tăng mạnh ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên, đến tháng 10 thì giá cả đã tăng lên trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ, và tăng mạnh trong ngành năng lượng và thực phẩm.

Giá năng lượng đã tăng 4,8% trong tháng 10 và 30% trong 12 tháng qua. Trong khi đó, giá thực phẩm cũng tăng 0,9% trong tháng vừa qua. Nếu không tính giá lương thực và năng lượng, CPI vẫn tăng 0,6% trong tháng 10 sau khi tăng 0,2% trong tháng 9/2021.

Lạm phát gia tăng là dấu hiệu phục hồi của đại dịch, do sự kết hợp mạnh mẽ của nhu cầu, tình trạng thiếu nguyên liệu thô và các điểm tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các số liệu trên được công bố trong bối cảnh nhiều nhà hoạch định chính sách như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định sức ép giá cả chỉ là tạm thời và liên quan đến đại dịch COVID-19 và lạm phát có thể quay về mức bình thường trong năm tới.

Hiện tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang cao gấp 2 lần mức mục tiêu 2% mà FED đề ra. Lạm phát leo thang có thể khiến FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến.

Trong một phát biểu, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn.

Nhà kinh tế học Joel Naroff nhận định, việc nhanh chóng mở cửa nền kinh tế có hai tác động, một mặt là tốc độ tăng trưởng tăng vọt, nhưng mặt khác là lạm phát cũng gia tăng và các vấn đề liên quan đến lao động đang gây áp lực cho doanh nghiệp.

Việc lạm phát gia tăng mạnh trong tháng 10/2021 có thể sẽ gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc thu hẹp quy mô chương trình nghị sự kinh tế trị giá 1.750 tỷ USD trước Lễ Tạ ơn./.

H.Hà (Theo Reuters, CNBC)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực