Lạm phát tại Anh tăng cao nhất trong gần 30 năm

Thứ năm, 20/01/2022 15:12
(ĐCSVN) – Ngày 19/1, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 5,4% trong tháng 12/2021, mức cao nhất trong gần 3 thập kỷ.
 Chỉ số giá tiêu dùng của Anh đã tăng 5,4% trong tháng 12/2021, mức cao nhất trong gần 3 thập kỷ.
(Ảnh: Reuters)

Trước đó, các nhà kinh tế đưa ra dự báo, chỉ số CPI tháng 12/2021 của Anh sẽ tăng lên 5,2%, từ mức 5,1% của tháng 11. ONS cho biết, việc chỉ số CPI tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/1992 là do sự tăng giá mạnh của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, mà tác động lớn nhất đến từ giá năng lượng, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất, ô tô đã qua sử dụng, quần áo, dịch vụ…

Giá dầu tăng mạnh góp phần khiến giá sinh hoạt tăng cao. Giá dầu Brent đã tăng khoảng 15%, giao dịch ở mức hơn 80% USD/thùng kể từ đầu tháng 1/2022. Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) mới đây dự đoán lượng dầu tại các kho dự trữ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 vào mùa Hè 2022 và giá dầu Brent tăng lên 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

“Giá thực phẩm một lần nữa tăng mạnh, trong khi đà tăng giá của nội thất và quần áo cũng thúc đẩy lạm phát”, ông Grant Fitzner, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ONS nhận định. Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn nguồn cung trên toàn cầu và chi phí nguyên liệu tăng cao đã góp phần khiến lạm phát gia tăng.

Các nhà hoạch định chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tỏ ra lo ngại rằng lạm phát có thể vượt 6% trong nửa đầu năm 2022, gấp 3 lần mức mục tiêu đề ra của cơ quan này. Điều này củng cố cho kỳ vọng BoE sẽ đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất vào tháng tới. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc nâng lãi suất cơ bản là bước đi "cần thiết" để đưa lạm phát của Anh trở lại mức mục tiêu 2%.

Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc BoE, Andrew Bailey cho biết, thị trường tài chính hiện dự kiến giá năng lượng sẽ vẫn duy trì ở mức cao cho đến giữa năm 2023. Điều này góp phần chủ yếu gây ra áp lực lạm phát vào năm ngoái và là nguyên nhân dẫn khiến tỷ lệ lạm phát của tháng 11/2021 đạt mức 5,1%.

Theo BoE, áp lực từ lạm phát gia tăng sẽ gây rủi ro với nền kinh tế nhiều hơn là biến thể mới Omicron. Các nhà hoạch định chính sách của cơ quan này cho biết có thể tiếp tục tăng nhẹ lãi suất khi lạm phát đang tiến tới mức đỉnh.

Trước đó, tháng 12/2021, BoE là Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất từ mức thấp trong thời kỳ đại dịch. Theo đó, Ngân hàng này đã nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25%, sau khi ONS công bố số liệu cho thấy lạm phát của nước này trong tháng 11/2021 đã lên 5,1%, mức cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua.

Lạm phát tại Anh đã tăng trung bình 4,9% trong quý IV/2021, cao hơn dự báo tăng 4,3% của BoE.

Tuy nhiên, không chỉ với Anh, lạm phát đang trở thành thách thức lớn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), châu Mỹ, châu Á và hầu hết các thị trường mới nổi, lạm phát hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Vừa qua, số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu cho thấy, chỉ số CPI tháng 12/2021 khu vực Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan được thu thập.

Tại khu vực này, lạm phát đặc biệt cao ở Estonia với 12% trong tháng 12/2021, tăng so với mức 8,8% của tháng trước đó. Litva ghi nhận mức lạm phát ở mức 10,7%. Tỷ lệ lạm phát cũng đáng lo ngại tại các nền kinh tế lớn trong Eurozone khi Tây Ban Nha ghi nhận mức lạm phát 6,7%; Bỉ 6,5%; Hà Lan 6,4%; Đức là 5,7%...

Theo Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), năm 2021, lạm phát tại nước này đã tăng cao nhất tính từ năm 1993 đến nay. Theo đó, tính trung bình cả năm 2021, lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là 3,1%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, lạm phát cao đột biến vào dịp cuối năm chỉ là hiện tượng nhất thời, cho nên cơ quan này hầu như giữ nguyên chính sách tiền tệ và lãi suất.

Hiện tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang cao gấp 2 lần mức mục tiêu 2% mà Cục Dữ trữ Liên bang (FED) đề ra. Lạm phát leo thang có thể khiến FED thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến./.

H.Hà (Theo Reuters, theguardian.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực