Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh

Thứ năm, 12/05/2022 18:14
(ĐCSVN) – Bộ Lao động Mỹ ngày 11/5 thông báo lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4 vừa qua, khiến đây là tháng thứ hai liên tiếp có mức lạm phát trên 8%.
Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters) 

Theo Cục Thống kê Lao động trực thuộc Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,3% so với tháng trước, sau khi tăng 1,2% trong tháng 3. Chỉ số CPI tháng 4 tăng 8,3% so với một năm trước, giảm nhẹ so với mức tăng 8,5% được ghi nhận vào tháng 3 năm ngoái. Con số tháng 3 đánh dấu mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 12/1981.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,6% trong tháng 4 sau khi tăng 0,3% trong tháng trước. Trong 12 tháng qua, chỉ số này đã tăng 6,2% so với 6,5% trong tháng 3.

Sự gia tăng trong các chỉ số về nhà ở, thực phẩm, vé máy bay và phương tiện đi lại mới là những yếu tố đóng góp chính vào mức tăng tổng thể được điều chỉnh theo mùa.

Chỉ số giá lương thực tăng 0,9% so với tháng trước trong khi chỉ số giá lương thực gia dụng tăng 1,0%. Chỉ số giá lương thực tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 4/1981. Trong khi đó, chỉ số năng lượng đã giảm 2,7% trong tháng 4 sau khi tăng 11,0% trong tháng 3. So với năm ngoái, chỉ số năng lượng tăng 30,3%.

Lạm phát giữ ở mức cao cũng đồng nghĩa tiền lương của người lao động tiếp tục giảm. Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát tại Mỹ đã giảm 0,1% trong tháng 4, dù mức danh nghĩa tăng 0,3%. Điều này có nghĩa tốc độ tăng lương giờ đang thấp hơn tốc độ tăng lạm phát. Nếu tính từ đầu năm, thu nhập thực tế của người lao động Mỹ đã giảm 2,6%.

Trong tuyên bố đưa ra cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết: “Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh chênh lệch cung cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao và áp lực giá mạnh”. Bên cạnh đó, Fed cũng lưu ý rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine và các sự kiện liên quan đến cuộc xung đột này đang tạo ra "áp lực tăng thêm" đối với lạm phát và có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021 khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thậm chí khiến các chuỗi cung bị đứt gãy và chính sự mất cân bằng cung cầu đã tạo áp lực khiến giá cả tăng cao, chưa kể các nguyên nhân khác.

Để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay và cam kết sẽ tiếp tục để hạ nhiệt giá cả. Mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm nay là 2%. Tuy nhiên, dữ liệu CPI mới công bố cho thấy Fed sẽ còn nhiều việc phải làm để thực hiện mục tiêu này./.

Khánh Linh (Theo Reuters, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực