LHQ tiếp tục kêu gọi thế giới đoàn kết chống dịch COVID-19

Thế giới sắp cán mốc 2,5 triệu ca mắc COVID-19
Thứ hai, 20/04/2020 08:33
(ĐCSVN) – Ngày 19/4, trong một thông điệp gửi đến chương trình âm nhạc trực tuyến “Một thế giới: Cùng nhau ở nhà” với sự quy tụ của hơn 100 nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi toàn thể người dân trên thế giới cần đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là virus SARS-CoV-2, đồng thời xây dựng một thế giới công bằng hơn.

Thế giới tuần qua: Nguy cơ và thời cơ

Đại dịch COVID-19: Số ca nhiễm trên thế giới vượt xa ngưỡng 2 triệu người

"Một thế giới: Cùng nhau ở nhà" là sự kiện âm nhạc trực tuyến quy tụ hơn 100 nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới nhằm kêu gọi người dân cùng nhau chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19. (Ảnh: news.un.org)

Ông Antonio Guterres cho biết: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây” và kêu gọi: “Để vượt qua nó, chúng ta phải đoàn kết”.

Thông điệp trên được Tổng thư ký Antonio Guterres đưa ra sau khi sự kiện âm nhạc “Một thế giới: Cùng nhau ở nhà" kết thúc. Đây là một chương trình đầy ý nghĩa do nữ ca sĩ Lady Gaga khởi xướng. Sự kiện do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Công dân toàn cầu (Global Citizen) phối hợp thực hiện nhằm kêu gọi người dân thế giới cùng chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19, cũng như gây quỹ để hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.

Sự kiện âm nhạc trực tuyến có quy mô toàn thế giới này được báo chí phương Tây mô tả "vượt qua cả sự kiện âm nhạc Grammy và Coachella". Chương trình này được phát sóng trên hàng loạt kênh truyền hình lớn của thế giới, cũng như trên Youtube, Facebook, Instagram và Twitter.

“Đêm nay, thông qua ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu, chúng ta tri ân tinh thần dũng cảm và hi sinh của những anh hùng trong lĩnh vực y tế và những người khác. Khi chúng ta làm điều này, hãy nhớ về những người dễ bị tổn thương nhất”, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Tổng thư ký Antonio Guterres cũng hối thúc cộng đồng quốc tế hòa chung nỗ lực kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn cầu để “tập trung để đối phó với kẻ thù chung là virus SARS-CoV-2”. Đây là lần thứ 2 Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi thực thi một lệnh ngừng bắn toàn cầu để các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh có thể chiến đấu chống đại dịch. Điều đáng nói, đây lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của LHQ, một yêu cầu ngừng bắn trên toàn thế giới được đưa ra.

Ông đồng thời bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới khán giả, các nghệ sĩ, các nhà tổ chức, nhà khoa học và nhà tài trợ cho sự kiện toàn cầu đã hỗ trợ WHO và các tổ chức nhân đạo khác đang nỗ lực để đẩy lùi đại dịch COVID-19. “Cùng nhau, chúng ta sẽ đánh bại con virus này va xây dựng lại một thế giới công bằng hơn – với tư cách là những câu dân toàn cầu đoàn kết và các quốc gia thống nhất”, ông Guterres cho hay.

Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Tijiani Muhammad-Bande cho biết: “đoàn kết là cách đầu tiên và tốt nhất để bảo vệ chúng ta”. “Ngày hôm nay, tất cả chúng ta hòa làm một, để gửi lời cám ơn đến đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Các bạn là đại diện cho toàn nhân loại. Bằng cách chăm sóc những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, bằng sự hy sinh cá nhân to lớn, các bạn đang bảo vệ mọi người ở khắp mọi nơi. Các bạn đang ở tuyến đầu chống dịch và đang vượt qua cơn bão này. Hãy nhớ rằng, chúng tôi luôn ở bên các bạn”, ông Tijiani Muhammad-Bande cho hay.

Gửi thông điệp đến sự kiện âm nhạc "Một thế giới: Cùng nhau ở nhà", Chủ tịch Quỹ Công dân toàn cầu Hugh Evans nhấn mạnh:“Đây là thời điểm của sự đoàn kết toàn cầu, kết nối thế giới thông qua sự kiện lịch sử này. Chúng ta có những nghệ sĩ lớn nhất thế giới tham dự, thắp lên ngọn lửa cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Thế giới tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong vì virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 20/4 (giờ Việt Nam), đại dịch COVID-19 đã lan sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 2.404.234 người mắc bệnh, 164.891 ca tử vong và 624.713 ca phục hồi trên toàn thế giới.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi toàn thể người dân trên thế giới cần đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là virus SARS-CoV-2, đồng thời xây dựng một thế giới công bằng hơn. (Video: news.un.org)

Mỹ hiện vẫn dẫn đầu thế giới về số ca mắc và tử vong. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 763.083 ca mắc virus SARS-CoV-2 và 40.495 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 24.291 ca mắc mới và 1.481 ca tử vong.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Anh vẫn thuộc “top 5” các nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất châu lục. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê do Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 19/4, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này đã giảm mạnh trong 24 giờ, xuống còn 410, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua tại quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 3 thế giới.

Đây là mức tử vong thấp nhất kể từ ngày 22/3, và thấp hơn rất nhiều so với mốc cao nhất 950 ca tử vong ghi nhận trong ngày 2/4, qua đó cho thấy sự lây nhiễm đang chậm lại sau khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ giữa tháng 3. Tính đến nay, Tây Ban Nha có 198.674 ca mắc và 20.453 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Nước này dự kiến sẽ kéo dài lệnh phong tỏa đến hết ngày 9/5. Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha đang cân nhắc sẽ nới lỏng phần nào các quy định.

Tại châu Á, dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu lục. Hàn Quốc ngày 19/4 lần đầu tiên kể từ tháng 2 ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức dưới 10, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh ở nước này đạt trên 75%. Tính đến sáng ngày 20/4, nước này chỉ ghi nhận có thêm 8 ca mới và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này là 10.661 người, trong đó 234 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn đến nay là 8.042 người.

Hết ngày 19/4, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 28.250 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.144 ca tử vong. Singapore tiếp tục chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng và hiện đã trở thành quốc gia có nhiều ca mắc bệnh nhất trong ASEAN.

Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận có gần 600 ca nhiễm mới, trong tổng số hơn 1.200 ca nhiễm của toàn khu vực. Phần lớn các ca nhiễm mới ở Singapore là lao động nước ngoài cư trú trong ký túc xá.

Tại ASEAN, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thailand là “top 5” nước chứng kiến tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn hẳn nhóm 6 nước còn lại gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Timor Leste./.

 

 

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực