Mỹ đã hỗ trợ hơn 100 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước

Thứ tư, 04/08/2021 12:06
(ĐCSVN) - Ngày 3/8, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã tài trợ và vận chuyển hơn 110 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới 65 quốc gia và vùng lãnh thổ bị tác động nặng nề bởi COVID-19. Phần lớn số vaccine này được phân phối thông qua cơ chế COVAX.
Tổng thống Mỹ J.Biden. (Ảnh: Saul Loeb/AFP via Getty Images) 

Đây là động thái nhằm hiện thực hóa cam kết của Mỹ giữ vai trò “kho vaccine” của thế giới, đồng thời chặn đứng nguy cơ xuất hiện của các chủng virus mới đang đe dọa các nỗ lực đẩy lùi đại dịch.

Thông điệp do Tổng thống Joe Biden phát đi ngày 3/8 nêu rõ, việc chia sẻ vaccine với các quốc gia khác là “lợi ích quốc gia của Mỹ”. Người đứng đầu Nhà Trắng chỉ ra rằng, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao đang xâm nhập từ bên ngoài.

Theo số liệu thống kê trên trang ourworldindata, tính đến sáng 4/8, đã có 4,21 tỷ liều vaccine được chích ngừa trên phạm vi toàn thế giới, với trung bình 38,67 liều vaccine chích ngừa mỗi ngày. Hiện 28,6% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi số người được tiêm đầy đủ hai mũi là 14,8%. Phạm vi bao quát của chiến dịch tiêm chủng là không đồng đều, khi mới chỉ có 1,1% dân số tại các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

“Chúng ta cần tấn công virus trên phạm vi toàn cầu chứ không chỉ tại đất nước của chúng ta. Bởi hành động này cũng nhằm phục vụ lợi ích của nước Mỹ. Sự lây lan của virus là không có giới hạn. Chúng ta không thể dựng nên một bức tường đủ cao để tránh sự lây lan của virus… Không có bức tường nào đủ cao hay một đại dương nào đủ rộng lớn để ngăn cách và giữ chúng ta an toàn khi mà đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại các nước khác” – ông J.Biden nói.

Theo thông báo từ ông J.Biden, lô vaccine Pfizer đầu tiên mà Mỹ viện trợ cho thế giới sẽ được chuyển đi vào cuối tháng 8. Đây là một phần trong gói viện trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước thu nhập thấp, với dự kiến 200 triệu liều sẽ được phân phối trong năm 2021 và 300 triệu liều còn lại sẽ tiếp tục lên đường vào năm 2022.

Cam kết viện trợ 500 triệu liều vaccine cho các nước có thu nhập thấp đã được ông J.Biden đưa ra khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Anh hồi tháng 6 vừa qua. Động thái này cũng được đánh giá là thể hiện trách nhiệm “san sẻ” của Mỹ với các đồng minh trong cuộc chiến chống đại dịch trên phạm vi toàn thế giới.

Phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh G7, ông J.Biden khẳng định Mỹ sẽ phối hợp cùng với các đối tác toàn cầu đóng vai trò dẫn dắt thế giới thoát khỏi đại dịch. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố, Mỹ có trách nhiệm và nghĩa vụ nhân đạo để cứu sinh mạng của nhiều người nhất trong phạm vi có thể.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hiện lượng vaccine mà Mỹ chia sẻ cho thế giới nhiều hơn của các nước khác cộng lại. Tháng 4/2021, ông J.Biden lần đầu tiên đưa ra cam kết chia sẻ 60 triệu liều vaccine AstraZeneca. Đến tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ tiếp tục cam kết chia sẻ thêm 20 triệu liều vaccine, với chủng loại là 3 vaccine đang lưu hành tại Mỹ, nâng tổng số vaccine hỗ trợ cho các nước lên tới 80 triệu liều. Trong lời phát biểu ngày 3/8, ông J.Biden cũng đề cập tới vấn đề này, song lưu ý thêm, lượng vaccine mà Mỹ đã hỗ trợ cho các nước khác, trên thực tế đã vượt quá cam kết 80 triệu liều.

“Nhu cầu vaccine trên thế giới lên tới vài tỷ liều… Chúng tôi đã cam kết cung cấp hơn nửa tỷ liều và đang cố gắng để tiến xa mức trên, đồng thời hỗ trợ năng lực tự sản xuất vaccine cho một số nước trên thế giới như Ấn Độ” – ông J.Biden nói.

Những nỗ lực của Mỹ đã được hoan nghênh khi giúp nhiều nước thu nhập thấp được tiếp cận với vaccine một công cụ hữu hiệu để đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, trong tình huống cấp bách như hiện nay, thế giới vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn. Ngày 3/8, nhiều tổ chức phi chính phủ, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược, Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Duke và Trung tâm Phát triển Toàn cầu đã viết thư gửi chính quyền Tổng thống J.Biden nhằm kêu gọi Mỹ đẩy mạnh việc hỗ trợ vaccine cho thế giới.

Bức thư nêu rõ, dù Mỹ và các nước đồng minh trong nhóm G7 đã thực hiện những bước đi quan trọng để thu hẹp khoảng cách vaccine trên phạm vi toàn cầu, thông qua việc tăng cường sản xuất vaccine trên quy mô lớn và phân phối các loại vaccine chất lượng cao cũng như tăng hỗ trợ tài chính cho cơ chế COVAX, cam kết chia sẻ gần 900 triệu liều vaccine trong năm tới (với 580 triệu liều từ Mỹ). Tuy nhiên, những hỗ trợ này chưa thể bắt kịp nhu cầu thực sự và cấp bách mà thế giới đang cần tới để có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống đại dịch./.

T.L (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực