Mỹ hối thúc G7 thực hiện cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu

Thứ sáu, 10/09/2021 16:09
(ĐCSVN) - Ngày 9/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã thúc giục các quốc gia thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhanh chóng thực hiện kế hoạch cải cách thuế toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: Reuters) 

Hồi tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Anh đã thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu. Thỏa thuận này được cho là sẽ chấm dứt “cuộc đua giảm thuế” doanh nghiệp giữa các nước, với một trụ cột là mức thuế doanh nghiệp tối thiểu thực tế được áp dụng cho các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm trên 750 triệu euro. Theo thỏa thuận này, các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế doanh nghiệp ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị, G7 cho biết: "Với thỏa thuận này, chúng tôi đã có một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XXI, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua".

Tuyên bố nhấn mạnh sự hợp tác này sẽ "tạo ra một sân chơi vững chắc hơn", giúp tăng thu thuế để hỗ trợ đầu tư và chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các "đại gia" công nghệ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Thỏa thuận trên sẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp đang diễn ra tại các nước muốn bảo vệ đầu tư của tập đoàn bất chấp các ưu tiên như bảo vệ người lao động hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng".

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, một mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đảm bảo kinh tế thế giới phát triển dựa trên một sân chơi công bằng hơn. Bà lập luận rằng, thuế suất tối thiểu cho doanh nghiệp toàn cầu sẽ giúp giải quyết tình trạng các công ty chuyển trụ sở sang các quốc gia khác nhằm giảm gánh nặng thuế. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đây là một “cam kết quan trọng và chưa từng có”.

Tháng 7 vừa qua, tại Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, các Bộ trưởng Tài chính thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng đã nhất trí thông qua kế hoạch cải cách thuế này. Đây được xem là sáng kiến chính sách mới lớn nhất được nhất trí tại Hội nghị, khép lại 8 năm tranh cãi về vấn đề thuế.

Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng và hoàn thiện các điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận đã được thống nhất trước khi Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 diễn ra vào tháng 10 tới đây”.

Trước đó, 134 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đại diện cho khu vực chiếm hơn 90% sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu cũng đã nhất trí về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn một số quốc gia tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận thuế toàn cầu, đặc biệt là Ireland và Hungary, hai quốc gia từ lâu đã duy trì mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp. Cụ thể, Ireland hiện chỉ áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% và Hungary là 9%.

Ireland thường được mệnh danh là "thiên đường thuế" khi thị trường này vẫn đang cung cấp nhiều đặc quyền về thuế hơn các nước láng giềng giàu có. Ngoài mức thuế doanh nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, Ireland còn có thỏa thuận thuế quan với các quốc gia khác cho phép doanh nghiệp đa quốc gia trả thuế thấp hơn và cung cấp thêm ưu đãi để bù đắp cho những công ty chi tiêu vào nghiên cứu và phát triển.

Khẳng định áp thuế là một vấn đề mang tính chủ quyền, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả đề xuất áp thuế toàn cầu tối thiểu là "vô lý". Mức thuế doanh nghiệp thấp 9% đã giúp Hungary thu hút các nhà sản xuất lớn của châu Âu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, thế giới đã sẵn sàng kết thúc cuộc đua toàn cầu về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu và “bây giờ nên nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận này”. Bà Janet Yellen cũng kêu gọi một số ít nước vẫn đang phản đối, như Ireland và Hungary, sẽ được khuyến khích ký kết thỏa thuận trước tháng 10 tới, khi các nhà lãnh đạo G20 hội đàm tại thành phố Rome, Italy.  

Bà Yellen cho rằng, cùng với thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu, chính sách này sẽ tạo ra nguồn vốn bền vững cho các khoản đầu tư quan trọng vào giáo dục, nghiên cứu và năng lượng sạch, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ và giúp Mỹ duy trì vị thế là môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới.

Thỏa thuận cuối cùng về vấn đề này dự kiến sẽ được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 với hy vọng rằng cải cách thuế có thể bắt đầu thực hiện vào năm 2023./.

H.Hà (Theo Reuters, Financial Times)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực