Mỹ khởi động tranh chấp thương mại với Canada

Thứ năm, 27/05/2021 15:17
(ĐCSVN) - Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động tranh chấp thương mại đầu tiên trong khuôn khổ của Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) đối với ngành công nghiệp sữa của Canada.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (bên trái)và Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng.
(Ảnh: AP)

Hiệp định USMCA đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020, trong đó bao gồm việc tăng khả năng tiếp cận của các sản phẩm và các nhà chế biến bơ sữa của Mỹ vào thị trường Canada.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, Washington cáo buộc Canada đã phá vỡ thỏa thuận mở cửa một phần thị trường sữa vốn được bảo hộ của mình cho hàng nhập khẩu từ Mỹ. Washington cho rằng điều này làm giảm cơ hội của các nông dân và nhà sản xuất sữa của Mỹ nhằm bán nhiều loại sản phẩm sữa cho người tiêu dùng Canada.

Ngành công nghiệp bơ sữa của Mỹ từ lâu đã bày tỏ quan ngại về các rào cản trong việc đưa các sản phẩm bơ sữa của Mỹ đến tay người tiêu dùng Canada, trong đó bao gồm các khiếu nại xoay quanh các hạn ngạch thuế quan theo USMCA khi chuyển một phần hạn ngạch sang cho các nhà chế biến Canada và hạn chế một cách không công bằng cơ hội xuất khẩu của các nhà  sản xuất và chế biến các sản phẩm bơ sữa của Mỹ.

“Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden là thực thi đầy đủ USMCA và đảm bảo rằng Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ”, bà Katherine Tai cho biết trong một tuyên bố.

“Việc thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận trên sẽ đảm bảo ngành sản xuất sữa và người lao động Mỹ có thể nắm bắt các cơ hội mới mà USMCA mang lại để tiếp thị và bán các sản phẩm của Mỹ cho người tiêu dùng Canada”, đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh.

Dự kiến, ủy ban trên sẽ tiến hành các cuộc họp để tìm hiểu và xem xét vấn đề trên. Quyết định sơ bộ sẽ được công bố trong vòng 4 tháng theo các điều khoản giải quyết tranh chấp của Hiệp định.

Canada đã bày tỏ thất vọng khi Mỹ kêu gọi thành lập ủy ban giải quyết tranh chấp. Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng cho biết, theo USMCA, Canada đã nhất trí cung cấp một số quyền tiếp cận thị trường bổ sung cho Mỹ đối với sản phẩm sữa, trong khi vẫn bảo vệ thành công hệ thống quản lý cung ứng và ngành sản xuất sữa trong nước. Canada khẳng định các chính sách của nước này “hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ hạn ngạch thuế quan” theo USMCA và sẽ bảo vệ mạnh mẽ lập trường này trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Tranh chấp thương mại này diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề xuất tăng thuế trừng phạt đối với gỗ xẻ nhập khẩu từ Canada.

Hiệp định USMCA - phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được đánh giá sẽ đem lại lợi ích chung và nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực. USMCA sẽ kết nối gần nửa tỷ người tiêu dùng trong một thị trường chung chiếm tới khoảng 27% GDP toàn thế giới. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang lại kim ngạch thương mại trị giá 1,2 nghìn tỷ USD hàng năm giữa 3 nước.

Hiệp định USMCA sẽ thay thế cho Hiệp định NAFTA (1994) sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xóa bỏ NAFTA vào hồi năm 2016 với lý do NAFTA không công bằng và đã khiến lao động Mỹ bị mất việc làm. Động thái này của ông Donald Trump đã dẫn tới việc 3 nước thành viên Mỹ, Canada và Mexico phải khởi động lại đàm phán.

Ngày 30/11/2018, các nhà lãnh đạo Mỹ, Mexico và Canada đã nhất trí ký Hiệp định USMCA. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ký Hiệp định trước khi tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Argentina.

USMCA đã có những thay đổi căn bản về kỹ thuật đối với các quy định sản xuất ôtô, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi vấn đề tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp…/.

 

 

Hoài Hà (Theo The Hill, AP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực