Mỹ mở lại Đại sứ quán tại Ukraine

Thứ năm, 19/05/2022 13:02
(ĐCSVN) – Ngày 18/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo nước này đã mở lại Đại sứ quán ở Ukraine, sau 3 tháng đóng cửa do liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Các nhân viên ngoại giao Mỹ kéo cờ tại khuôn viên Đại sứ quán nước này ở thủ đô Kiev, ngày 18/5/2022. (Ảnh: Efrem Lukatsky/AP Photo). 

Ông Blinken khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ và người dân Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Nhà ngoại giao này cũng cho biết thêm Mỹ đã triển khai các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường an ninh cho nhân viên ngoại giao nước này, đồng thời củng cố các quy định và biện pháp an ninh khác.

Tờ Politico dẫn một nguồn thạo tin cho biết, khuôn viên Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Kiev hiện đang được bảo vệ bởi lực lượng an ninh ngoại giao cùng lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát Ukraine.

Từ ngày 12/2, Mỹ đã bắt đầu sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine và đóng cửa Đại sứ quán nước này tại thủ đô Kiev từ ngày 14/2 – tức 10 ngày trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Sau thời điểm trên, Mỹ tiếp tục cung cấp các dịch vụ lãnh sự từ thành phố Lvov, miền Tây Ukraine.

Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước tái thiết lập sự hiện diện ngoại giao ở Ukraine. Trong chuyến thăm Kiev vào cuối tháng 4/2022, ông Blinken đã đề cập tới ý định đưa nhân viên ngoại giao trở lại Ukraine.

Việc Mỹ quyết định điều động một số lượng nhỏ các nhà ngoại giao nước này quay trở lại Kiev là một tín hiệu “nhẹ nhàng” cho thấy Mỹ luôn sát cánh cùng Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Đây cũng là diễn biến được cả Ukraine và giới lập pháp Mỹ trông đợi từ nhiều ngày qua, trong bối cảnh chính quyền của ông J.Biden vẫn tỏ ra do dự trước những lý do an ninh, ngay cả khi nhiều quốc gia phương Tây (trong đó có Anh, Pháp và Đức) đã mở lại Đại sứ quán tại Kiev.

Trong nhiều năm trở lại đây, an ninh ngoại giao đã là một vấn đề “nóng” ở Mỹ, với nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ các cuộc tấn công năm 2012 ở Bengazi (Libya) khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Chris Stevens. Thảm kịch ngoại giao này thậm chí đã được đảng Cộng hòa coi như một “cái cớ” để mở nhiều cuộc điều tra nhằm vào các nhà lãnh đạo của phe Dân chủ.

Tuy nhiên, nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden, trong đó có Ngoại trưởng Blinken lại cho rằng, đã đến lúc Washington cần cởi bỏ “tâm lý hầm trú ẩn” trong chính sách ngoại giao./.

T.Lan (Theo aljazeera, politico, CNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực