Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở: Những nguy cơ được báo trước

Thứ hai, 23/11/2020 17:56
(ĐCSVN) – Ngày 22/11, Mỹ thông báo chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Sau động thái này, một công cụ then chốt để xây dựng niềm tin ở châu Âu bị xóa bỏ, đi cùng với đó là “sự rạn nứt” ngày càng khó cứu vãn trong quan hệ Nga-Mỹ về kiểm soát vũ khí.

Sự đổ vỡ của Hiệp ước Bầu trời mở…

Tổng thống Mỹ D.Trump thông báo rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. (Video: Reuters).  

Hiện đang có 35 quốc gia đã ký kết vào Hiệp ước Bầu trời mở, gồm: Nga, Mỹ và một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kyrgyzstan là nước đã ký vào văn kiện này, song việc phê chuẩn vẫn chưa được thực hiện.

Hiệp ước Bầu trời mở đa phương được ký kết vào năm 1992, sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2002. Hiệp ước được ký kết bởi đại diện 23 quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, được xây dựng với sự tham gia tích cực của Moscow và đến nay, đã có 34 quốc gia tham gia chính thức. Hiệp ước cho phép 34 quốc gia thành viên công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau, có quyền tiến hành các chuyến bay không vũ trang qua vùng trời của nhau để theo dõi các hoạt động quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Tuy nhiên, cả Moscow và Washington đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.

Một tiêu chí chủ đạo của Hiệp ước Bầu trời mở là tạo dựng lòng tin và hiểu biết giữa các nước thành viên tham gia, thông qua việc cùng tiến hành các chuyến bay do thám trên vùng trời của các nước khác. Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hoá giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau. Theo thống kê do truyền thông đưa ra, kể từ khi Hiệp ước Bầu trời mở có hiệu lực vào năm 2002, đã có hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của Hiệp ước này.

Ngày 21/5/2020, Tổng thống Mỹ D.Trump đã thông báo về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, cùng với việc đưa ra cáo buộc Nga đã có hành động hạn chế phi pháp các chuyến bay dọc khu vực biên giới nước này. Theo đó, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông báo. Trong một tuyên bố vừa đưa ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định nước này không còn là một bên tham gia kí kết Hiệp ước Bầu trời mở kể từ ngày 22/11/2020.

Trên Twitter, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brient nêu rõ, ngày 22/11/2020 đánh dấu tròn 6 tháng kể từ khi Mỹ thông báo rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. “Hiện chúng tôi không còn là một bên tham gia Hiệp ước – vốn đã bị Nga vi phạm nghiêm trọng trong nhiều năm”- ông O’Brient viết. Cũng theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Hiệp ước Bầu trời mở là một trong những văn kiện đã lỗi thời, mang lại lợi ích cho những kẻ thù của nước Mỹ, với cái giá phải trả chính là an ninh quốc gia và Mỹ nên rút khỏi.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì lại viết trên Twitter rằng, nước Mỹ đang trở nên an toàn hơn nhờ việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Đoạn Tweet của ông Pompeo cũng không quên cáo buộc Nga vẫn tiếp tục có dấu hiệu “phớt lờ” những nghĩa vụ mà nước này phải thực hiện.

Hiệp ước Bầu trời mở là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy sự tham gia của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017. Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988. Trong tất cả thông báo về việc rút khỏi các thỏa thuận, ông D.Trump đều hướng chỉ trích về sự vi phạm của bên còn lại.

… kéo theo những niềm tin bị “rạn nứt”

(Ảnh minh họa: AP )

Trong một thông điệp phát đi cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ đã coi nước này “như một lời biện minh” để rút lui khỏi Hiệp ước. Bên cạnh đó, Moscow cũng kêu gọi các bên còn lại không cung cấp cho Mỹ những thông tin thu thập được từ các chuyến bay thực hiện trên lãnh thổ Nga. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow dự định tìm kiếm những đảm bảo chắc chắn từ các quốc gia vẫn tham gia hiệp ước để thực hiện nghĩa vụ của mình. Còn Thư ký báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov thì lại cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở khiến thỏa thuận này không thể tồn tại. 

Cũng trong ngày 22/11, trưởng đoàn đàm phán Nga về các vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí, ông Konstantin Gavrilov cho biết sau khi Washington rút khỏi hiệp ước, một số nhiệm vụ thiết thực sẽ nằm trong chương trình nghị sự, trong đó có công tác phân bổ các chi phí tài chính liên quan đến hoạt động của Ủy ban Tham vấn Bầu trời Mở (OSCC), bổ nhiệm 2 chủ tịch của các nhóm chuyên viên không chính thức thay thế các đại diện của Mỹ và xác định địa vị của Washington. Ông hy vọng rằng hợp tác toàn diện giữa các quốc gia thành viên trong tất cả các vấn đề thuộc chương trình nghị sự của OSCC sẽ tiếp tục được thực hiện không gián đoạn.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ngày 22/11 đã tỏ rõ sự tiếc nuối khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, đồng thời tái khẳng định lập trường của Đức đối với Hiệp ước không thay đổi. Đức coi hiệp ước này "là một cấu thành quan trọng của cấu trúc kiểm soát vũ khí, vốn góp phần vào việc xây dựng niềm tin lẫn nhau và qua đó đảm bảo an ninh tốt hơn ở Bắc Bán cầu từ Vladivostok đến Vancouver".      

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở chẳng khác nào “một đòn giáng mạnh” xuống các nước đồng minh. Tuy nhiên, sự ra đi của Mỹ lại được cho là không “tác động” nhiều tới Nga bởi hiện nay, Moscow dường như lại đang quan tâm tới việc giám sát không phận ở các nước châu Âu hơn là ở Mỹ.

Trong khi đó, cũng có ý kiến lo ngại việc Mỹ rút khỏi hiệp ước có thể kéo theo hành động tương tự từ phía Nga và thậm chí là châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai cường quốc. Động thái mới nhất của Mỹ được cho là đang tiếp tục củng cố những nghi ngờ bấy lâu nay về khả năng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào đầu năm tới. Việc một Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn tồn tại bị đặt vào trạng thái để ngỏ đã cho thấy những dấu hiệu “mong manh và khó đoán định” trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân trên thế giới mà từ trước tới nay luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

Được biết, vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã yêu cầu các nước thành viên trong NATO tham gia Hiệp ước Bầu trời mở đưa ra “lời bảo đảm viết tay” về việc sẽ không chia sẻ dữ liệu thu thập được với phía Mỹ kể từ thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, ông Lavrov cũng cho rằng, các căn cứ của Mỹ tại châu Âu sẽ không bị loại khỏi các hoạt động giám sát mà Nga tiến hành tại khu vực này.

Trên Twitter, ông Steven Pifer – một thành viên thuộc Sáng kiến Kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí thuộc viện Brookings coi việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là một “đòn khác” của chính quyền Tổng thống D.Trump giáng xuống các nỗ lực kiểm soát vũ khí, đồng thời kêu gọi Tổng thống Mỹ được truyền thông loan tin đắc cử Joe Biden có động thái quay trở lại Hiệp ước.

Trong một thông điệp đưa ra hồi tháng 5/2020, ông J.Biden đã chỉ trích việc Tổng thống D.Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Theo cựu Phó Tổng thống Mỹ thì ngay cả khi Moscow có những động thái vi phạm, Mỹ và các đồng minh vẫn hưởng lợi từ Hiệp ước. Việc rút khỏi Hiệp ước được dự báo là sẽ khoét sâu thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xung đột và những tính toán sai lầm./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực