Mỹ tiếp tục lo ngại về thương vụ S-400 giữa Nga và Ấn Độ

Thứ ba, 16/11/2021 17:01
(ĐCSVN) – Mỹ vẫn lo ngại trước việc Ấn Độ quyết tâm mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và đã nhiều lần tỏ rõ quan điểm này với các đối tác Ấn Độ.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. (Ảnh: TASS)

Đây là thông tin do Thư ký Báo chí Lầu Năm góc John Kirby đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ, ngày 16/11. Ông Kirky cho biết: “Theo đánh giá của tôi thì chúng tôi đã bày tỏ quan điểm rõ ràng với các đối tác Ấn Độ về mối quan ngại xung quanh hệ thống này. Nhưng tôi không có thông tin mới gì để công bố”.

Tuyên bố trên được ông Kirby đưa ra chỉ một ngày sau khi Giám đốc điều hành Rosoboronexport, Alexander Mikheyev phát biểu tại Triển lãm hàng không quốc tế Dubai Airshow 2021 rằng Nga đã bắt đầu bàn giao “rồng lửa” S-400 cho Ấn Độ trước thời hạn.

Ông Mikheyev cho biết, Nga đã khởi động chương trình đào tạo các chuyên gia Ấn Độ về vận hành các hệ thống S-400 và những đơn vị đầu tiên của hệ thống tên lửa đất đối không S-400 sẽ được bàn giao cho Ấn Độ vào cuối năm nay.

Năm 2015, Ấn Độ đã công bố ý định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Nhân dịp Tổng thống Vladimir Putin sang thăm Ấn Độ vào tháng 10/2018, lãnh đạo hai nước đã ký kết một bản hợp đồng trị giá 5,43 tỷ USD, theo đó, Nga sẽ cung cấp 5 hệ thống tên lửa S-400 cho Ấn Độ.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (tên mã định danh của NATO là SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung mới nhất được đưa vào hoạt động từ năm 2007. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt các máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu thanh và cũng có thể được sử dụng để tấn công các thiết bị lắp đặt trên mặt đất. S-400 có thể nhắm vào các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 400 km và ở độ cao lên tới 30 km trong điều kiện gây nhiễu và hỏa lực mạnh của đối phương.

Trong thời gian trở lại đây, Mỹ đã nhiều lần tỏ rõ lập trường phản đối việc Ấn Độ mua S-400 từ Nga, đồng thời cảnh báo về khả năng sẽ kích hoạt một lệnh trừng phạt từ phía Mỹ nhằm vào quốc gia Nam Á. Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 3/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhắc lại lời cảnh báo rằng tất cả các đồng minh và đối tác của Mỹ nên "tránh xa" các thiết bị vũ khí của Nga, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ trừng phạt.

Hiện các lệnh trừng phạt mà Mỹ có thể áp dụng được dự báo là sẽ không tác động nhiều tới Ấn Độ. Tuy nhiên, xét về mặt dài hạn, những tranh cãi này có thể trở thành “rào cản” đối với các hoạt động hợp tác giữa đôi bên, hay thậm chí là gây rạn nứt trong quan hệ bộ tứ QUAD mà cả Mỹ và Ấn Độ đều đóng vai trò thành viên./.

Thu Lan (Theo TASS, aa.com.tr)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực