Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do COVID-19

Thứ ba, 23/02/2021 10:49
(ĐCSVN) – Đến sáng 23/2, thế giới có tổng số 112.251.525 ca nhiễm và 2.484.750 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 282.266 ca nhiễm và 6.445 ca tử vong mới. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
 Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 vào ngày 4/12/2020 tại bệnh viện United Memorial Medical Center ở Houston, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 23/2, đã có 87.772.253 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.994.522 ca bệnh đang điều trị, có 21.901.250 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 93.272 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 24 giờ qua, với thêm 57.312 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (29.357 ca) và Nga (12.604 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.309 ca, sau đó là Brazil (716 ca) và Nga (337 ca). Chỉ một năm sau khi người Mỹ đầu tiên được xác nhận đã tử vong do virus SARS-CoV-2 tại Hạt Santa Clara, bang California, đến nay số ca tử vong tại Mỹ cũng vượt ngưỡng nửa triệu ca, mức cao nhất thế giới. Trong buổi lễ tưởng niệm hơn 500.000 nạn nhân của virus SARS-CoV-2 được tổ chức phía ngoài Nhà Trắng ngày 22/2, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ trên khắp các tòa nhà liên bang cũng như đại sứ quán Mỹ tại tất cả các nước và nghi thức này sẽ diễn ra trong 5 ngày.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 90.387 ca nhiễm và 2.317 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Nga, Anh và Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.177.330; 4.126.150 và 3.609.827 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 120.757 ca, sau khi có thêm 178 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (95.992 ca) và Pháp (84.613 ca).

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với tổng số 33.043.929 ca, trong đó có 740.246 ca tử vong và 22.579.543 ca được điều trị khỏi. Với 28.824.362 ca nhiễm và 512.526 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.041.380 và 848.089 ca nhiễm, cùng 180.107 và 21.715 ca tử vong vì COVID-19.

Với 24.564.712 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 23/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 392.368 ca đã tử vong do COVID-19 và 23.124.381 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 11.015.863; 2.646.526 và 1.582.275 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 156.498; 28.138 và 59.572 ca.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 47.431 ca nhiễm và 1.327 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 17.479.886 ca và 455.406 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 29.357 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 10.197.531 vào thời điểm hiện tại. Với 716 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Peru với 166 ca tử vong mới và Argentina với 161 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 23/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.864.060 ca, trong đó có 101.816 ca tử vong và 3.406.267 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.504.588 ca nhiễm và 49.150 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 792 ca nhiễm mới và 97 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 481.263 và 228.937 ca nhiễm bệnh cùng 8.559 và 7.811 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 50.844 ca nhiễm (tăng 46 ca) và 1.085 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 1 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 4 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.930 ca, trong đó 909 ca tử vong.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được tăng cường tại các quốc gia trên thế giới. Ngày 22/2, công ty dược phẩm Johnson & Johnson cho biết có kế hoạch cung cấp đủ liều vaccine cho hơn 20 triệu người Mỹ vào cuối tháng 3 tới nếu loại vaccine này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho phép. Đây là lần đầu tiên Johnson & Johnson đưa ra thông tin cụ thể về số lượng liều thuốc sẽ có sẵn ngay lập tức. Công ty cũng cho biết đang hướng tới đạt 100 triệu liều vaccine vào cuối quý II năm 2021.

Trong khi đó, công ty Pfizer cũng đang tăng cường sản lượng vaccine. Trong một tuyên bố được Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ đăng tải, ông John Young, Giám đốc kinh doanh của Pfizer, cho biết rằng công ty này sẽ có thể tăng nguồn cung thêm 13 triệu liều vaccine mỗi tuần vào giữa tháng 3, hướng tới 120 triệu liều vào cuối tháng 3 và 200 triệu liều vào cuối tháng 5 tới./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực