Nagorny - Karabakh có im tiếng súng sau lệnh ngừng bắn mới?

Thứ hai, 26/10/2020 14:23
(ĐCSVN) – Theo một thông báo do Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi ngày 25/10, lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa hai quốc gia láng giềng vùng Nam Capcaz liên quan tới cuộc xung đột ở khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh bắt đầu có hiệu lực từ 8h (4h, giờ GMT) sáng 26/10.

Tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nagorny - Karabakh

EU hoan nghênh Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn mới

Quan ngại về tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn tại Nagorny - Karabakh

Đây đã là lệnh ngừng bắn thứ 3 được thiết lập kể từ sau thời điểm tái bùng phát các cuộc giao tranh ở Nagorny – Karabakh trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, sau 2 lệnh ngừng bắn được đưa ra trong các ngày 10 và 17/10 song nhanh chóng kết thúc trong “bế tắc”. Liệu lần này có “quá tam ba bận” và lệnh ngừng bắn mới nhất do Mỹ đóng vai trò trung gian hòa giải lần này có thực sự mang lại giải pháp chấm dứt xung đột? Đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và phụ thuộc vào thiện chí của tất cả các bên liên quan.

leftcenterrightdel
Khung cảnh tan hoang sau các cuộc giao tranh ở Nagorny - Karabakh (Ảnh: TASS). 

Tuyên bố do Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi cùng ngày nêu rõ, Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan và Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen E. Biegun ngày 24/10/2020 và tái khẳng định cam kết trong việc tuân thủ và thực thi thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo đạt được ở thủ đô Moscow (Nga), ngày 10/10. Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo này sẽ có hiệu lực từ 8h ngày 26/10/2020.

Tuyên bố khẳng định, Mỹ đã đóng vai trò thúc đẩy các vòng đàm phán sâu rộng giữa các Ngoại trưởng và các đồng chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm đưa Armenia và Azerbaijan tiến gần hơn tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Nagorny – Karabakh.

Nagorny-Karabakh là khu vực núi hiểm trở tại khu vực Capcaz có diện tích khoảng 4.400 km2. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan và cách biên giới Armenia khoảng 50 km, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia. Điều này đã làm phát sinh quan hệ tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia, với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994 khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Năm 1994, hai nước láng giềng đã đạt thỏa thuận ngừng bắn và tiếp nối bởi nhiều cuộc đàm phán hòa bình diễn ra sau đó, tuy nhiên, các cuộc xung đột vẫn lác đác xảy ra tại khu vực dọc đường biên giới.

Ngày 27/9, các cuộc giao tranh gây thương vong giữa hai nước láng giềng tại khu vực Nagorny-Karabakh bắt đầu bùng phát trở lại và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngày 1/10/2020, lãnh đạo 3 nước đồng chủ tịch nhóm Minsk thuộc OSCE là Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông qua tuyên bố về tình hình Nagorny – Karabakh, lên án các hành vi gia tăng bạo lực tại dọc đường tiếp xúc và kêu gọi áp đặt lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, cho tới nay, mọi nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể cùng với việc cả hai đã nhiều lần đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Các cuộc giao tranh tại khu vực tranh chấp hiện đang bước sang tuần thứ 5 liên tiếp, nâng con số thương vong từ cả hai phía lên 1.000 người.

Trong một diễn biến liên quan, nhóm Minsk thuộc OSCE- được thành lập để đứng ra làm trung gian giải quyết cuộc xung đột, và do Pháp, Nga, Mỹ dẫn đầu cũng vừa ra tuyên bố nêu rõ: Các đồng Chủ tịch và Ngoại trưởng của nhóm sẽ gặp nhau một lần nữa tại Geneva (Thụy Sĩ), trong ngày 29/10 nhằm thảo luận về vấn đề Nagorny-Karabakh, trong đó có nỗ lực đạt được thỏa thuận, thực thi thỏa thuận liên quan tới tất cả những bước cần thiết để đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này, phù hợp với thời gian biểu đã được nhất trí trước đó. 

Hiện dư luận đang kỳ vọng những nỗ lực mà nhóm Minsk thuộc OSCE đang theo đuổi cùng lệnh ngừng bắn mới do Mỹ đóng vai trò trung gian sẽ phát huy hiệu lực và từng bước hóa giải mối quan hệ căng thẳng giữa kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước láng giềng Trung Á.

Ngày 25/10, người dân ở Nagorny – Karabakh cáo buộc các lực lượng Azerbaijan đã nã đạn pháo vào các khu vực dân cư. Tuy nhiên, Azerbaijan đã bác bỏ lời cáo buộc về việc nhắm mục tiêu tấn công vào dân thường và tố ngược Armenia tấn công các cứ điểm của nước này bằng vũ khí hạng nhẹ, súng cối, xe tăng… Không những thế, Azerbaijan còn cho biết thêm nước này đã bắn hạ một máy bay quân sự của Armenia – điều mà Yerevan đã lên tiếng phủ nhận.

Cùng ngày, Lực lượng vệ binh cách mạng Iran (IRGC) đã thông báo về kế hoạch triển khai binh sỹ tại khu vực biên giới tiếp giáp giữa Iran với Armenia và Azebaijan nhằm “bảo vệ lợi ích dân tộc, cũng như duy trì hòa bình và an ninh” của Tehran, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Baku và Yerevan vẫn đang tiếp diễn./.

T.Lan (theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực