NATO hoan nghênh Nga, Mỹ nối lại đối thoại về gia hạn START mới

Thứ tư, 02/12/2020 14:50
(ĐCSVN) – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoan nghênh Nga và Mỹ nối lại đối thoại về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) trong bối cảnh văn kiện này chỉ còn hiệu lực trong vòng 2 tháng nữa.
leftcenterrightdel
Một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của quân đội Nga. (Ảnh: INSIDER) 

Phát biểu sau Hội nghị trực tuyến các Ngoại trưởng NATO, ngày 1/12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi hoan nghênh Nga và Mỹ đối thoại để tìm kiếm con đường tiến về phía trước, bởi chúng tôi không muốn bị đẩy vào một tình huống mà ở đó, không tồn tại thỏa thuận nào về số lượng đầu đạn hạt nhân”. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo NATO cũng khẳng định quan điểm ủng hộ việc các bên đưa ra một cơ chế kiểm soát vũ khí toàn diện hơn.

Phản ứng trước thông điệp của Tổng thư ký NATO, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, tốt hơn là ông Stoltenberg nên kêu gọi Mỹ gia hạn hiệp ước START mới và tham gia vào công việc mang tính xây dựng để tăng cường ổn định chiến lược.

Cũng trong lời phát biểu cùng ngày, bà Zakharova đã nêu bật sáng kiến của Nga về tạm hoãn các tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn ở châu Âu, nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định ở khu vực châu Âu – Đại Tây Dương.

Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cùng không quá 800 bê%3ḅ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược. START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần.

START mới duy trì hiệu lực trong 10 năm và sẽ kết thúc vào ngày 5/2/2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026, phụ thuộc vào sự đồng thuận của cả hai bên ký kết.

Sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị khai tử, việc Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở (OST) vào ngày 22/11 được cho là đã củng cố những nghi ngờ bấy lâu nay về khả năng START mới bị đổ vỡ, ngay cả khi đây được xem là "một tiêu chuẩn vàng" về kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc hạt nhân có mối quan hệ luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

Trong thời gian trở lại đây, Moscow đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Washington không trì hoãn gia hạn START mới. Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ quan ngại về kịch bản đổ vỡ của START mới sẽ khiến thế giới không còn công cụ để ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang.

Ngày 16/10/2020, ông Putin tiếp tục nêu sáng kiến gia hạn START mới vô điều kiện ít nhất thêm 1 năm để mở đường cho các vòng đàm phán ý nghĩa với Mỹ. Về phía Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định, nếu như START mới được gia hạn sau năm 2021, nước này sẵn sàng đóng băng các kho vũ khí hạt nhân cùng với Mỹ, trong một khoảng thời gian tương ứng, nếu như  Washington không đưa ra thêm yêu sách.

Tuy nhiên, những gì diễn ra tới nay cho thấy giữa Nga và Mỹ vẫn còn tồn tại khoảng cách lớn về lập trường và khó có thể tìm tiếng nói chung về lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Mỹ đã từng đề xuất Nga chấp thuận một Hiệp ước đa phương mới, gồm cả sự tham gia của Trung Quốc để thay thế START mới. Tuy nhiên, Washington dường như lại “thờ ơ” trước đề xuất của Nga về việc gia hạn vô điều kiện START mới cho tới khi một Hiệp ước mới được thông qua./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực