Nga, Mỹ lại “khẩu chiến” về sự đổ vỡ của INF

Thứ sáu, 23/08/2019 17:47
(ĐCSVN) – Ngày 22/8, Mỹ và Nga tiếp tục đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân đổ vỡ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), trong khi Trung Quốc tuyên bố nước này không “quan tâm” tới việc tham gia vào các vòng đối thoại về kiểm soát vũ khí ba bên theo như đề xuất của Mỹ.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp khẩn về các dự án tên lửa của Mỹ

Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 22/8, Đại diện ngoại giao Nga Dmitry Polyanskiy đã cáo buộc Mỹ “cố tình và quyết tâm” vi phạm INF.  Viện dẫn tới kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai các bệ phóng tên lửa ở Đông Âu, với hệ thống đầu tiên tại Romania, ông Polyanskiy cho rằng, các thiết bị này có thể dễ dàng được “tái trang bị” để phóng các tên lửa vốn bị INF cấm. Trong khi đó, việc Mỹ nhanh chóng tiến hành vụ phóng tên lửa sau khi chính thức rời khỏi INF vào ngày 2/8 cũng là một minh chứng cho thấy ý định của Washington nhằm phá vỡ bản hiệp ước này.

Quyền đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy cáo buộc Mỹ đã "cố tình và quyết tâm" vi phạm INF. (Ảnh: EPA-EFE/Bryan R.Smith)


Bày tỏ quan ngại về tương lai mờ nhạt của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START mới) sau khi Mỹ rút khỏi INF, ông Polyanskiy nhấn mạnh rằng, trong thời gian trở lại đây, một số quan chức cấp cao trong chính quyền đương nhiệm Mỹ đã nhiều lần khẳng định lập trường “không lưu tâm” tới việc duy trì bản hiệp ước này.

 

Về phía Quyền đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc – ông Jonathan Cohen lại cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí được ký kết năm 1987 và khẳng định rằng “Mỹ sẽ không tiếp tục duy trì là 1 bên tham gia thỏa thuận vốn không được tuân thủ bởi bên ký kết còn lại”.

 

Ông Cohen khẳng định Mỹ có sự ủng hộ đầy đủ của các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc rút khỏi INF. Ngoài ra, đại diện ngoại giao này của Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc có ý đe dọa nhằm mục tiêu vào các đồng minh của Mỹ được triển khai các hệ thống tên lửa của nước này, đồng thời tái khẳng định “sự lưu tâm” của Mỹ trong việc hình thành một cơ chế kiểm soát vũ khí, gồm sự tham gia của Nga và Trung Quốc.

 

Đáp lại quan điểm trên của Mỹ, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun nêu rõ: “Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại lập trường về ý tưởng đàm phán kiểm soát vũ khí với Mỹ và Nga. Trung Quốc không quan tâm và sẽ không trở thành một phần của cơ chế này”.

 

Ông Zhang Jun nhấn mạnh, đối với bất kỳ vòng đàm phán về kiểm soát vũ khí nào, thì điều bắt buộc là xem xét đầy đủ về khả năng quân sự tổng quát của các nước và tuân thủ nguyên tắc “không suy giảm về an ninh đối với tất cả các bên” – vốn đóng vai trò là một nguyên tắc cơ bản trong kiểm soát vũ khí quốc tế. Theo quan điểm đại diện ngoại giao này thì việc Mỹ coi Trung Quốc là một “cái cớ” để rời khỏi INF là điều “không thể chấp nhận được”.

 

Ngày 22/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập phiên họp bất thường với nội dung trọng tâm là thảo luận vụ thử tên lửa hành trình tầm trung do Mỹ thực hiện cách đây ít lâu. Sự kiện này diễn ra theo yêu cầu của Nga và Trung Quốc, trước những lo ngại về “hiệu ứng gây bất ổn” từ hành động trên của Mỹ.

 

Mở đầu phiên họp, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị  - bà Izumi Nakamitsu cảnh báo: “Sự sụp đổ gần đây của Hiệp ước INF đã làm lu mờ một trong những cơ chế ít ỏi để kìm hãm sự phát triển và triển khai những loại tên lửa nguy hiểm và có khả năng gây bất ổn…Sự kết thúc của INF không nên được xem là chất xúc tác cho một cuộc cạnh tranh mới và không bị ràng buộc trong việc phát triển, sở hữu và phổ biến tên lửa”.

 

Từ đó, bà Nakamitsu đã nhắc lại thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm kêu gọi tất cả các bên nhanh chóng tìm kiếm thỏa thuận về một lối đi chung, mới mẻ cho lĩnh vực kiểm soát vũ khí quốc tế.

 

Trước đó, ngày 19/8, Lầu Năm góc thông báo Mỹ đã thử nghiệm một thiết bị tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thông thường, có khả năng nhắm trúng mục tiêu sau khi bay được hơn 500 km. Lầu Năm Góc cho biết vụ thử nghiệm diễn ra vào cuối tuần trước tại đảo San Nicolas thuộc California, tiểu bang ven biển phía tây của Mỹ. Đây là vụ thử tên lửa hành trình tầm trung đầu tiên của Mỹ kể từ khi nước này chính thức rút khỏi INF vào ngày 2/8./.

Thu Lan (Theo Xinhua, TASS)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực