Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran khẳng định giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria

Thứ năm, 02/07/2020 14:32
(ĐCSVN) – Nhân cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ gặp gỡ Astana về tình hình Syria, ngày 1/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cùng người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh tới nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 10 tại Syria.
leftcenterrightdel
Thường dân - nạn nhân vô tội trong cuộc xung đột Syria. (Ảnh: RTE) 

Phát biểu tại sự kiện này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên án việc Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt “vô nhân đạo” mới nhằm vào Syria dưới tên gọi “các lệnh trừng phạt Caesar” trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất, từ chiến tranh liên miên cho tới sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Ông Rouhani cho rằng, hành động trên của Mỹ là nhằm mục tiêu đạt được những tham vọng chính trị phi pháp và khẳng định lập trường mạnh mẽ của Tehran trong việc ủng hộ chính quyền Damascus.

Ông Rouhani khẳng định, Iran lên án việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đặc biệt là Syria. Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ tiếp tục ủng hộ người dân và chính phủ hợp hiến tại Syria, đồng thời tin tưởng rằng, những hành động “vô nhân đạo và phi pháp” của Mỹ sẽ không thể làm dao động ý chí của những nước bè bạn và những đồng minh trong việc hậu thuẫn chính quyền Damascus.

Trong lời phát biểu cùng ngày, Tổng thống Iran cũng bác bỏ sự hiện diện mà ông cho là phi pháp của các lực lượng Mỹ, xem đây là yếu tố gây bất ổn đối với tình hình Syria và toàn bộ khu vực.

Nhà lãnh đạo Iran tin tưởng rằng, tiến trình Astana chính là con đường khả thi duy nhất giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria một cách hòa bình. Với vai trò là các nước bảo trợ tiến trình Astana, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ đối thoại dân tộc Syria dựa trên khuôn khổ các thỏa thuận đạt được trong tiến trình này, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của các nước trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Daesh và al-Qaeda cùng các tổ chức chân rết trong khu vực, gồm cả tại Syria.

Trong cuộc họp, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh trước các nhà lãnh đạo Iran và Thổ nhĩ Kỳ về tính cần thiết của việc tiến hành các vòng đối thoại hòa bình giữa các phe phái tại Syria, trong khuôn khổ Ủy ban lập hiến tại Geneva. Ông cũng kêu gọi các nỗ lực ủng hộ tiến trình này, giúp các bên tham gia gặp nhau và khởi động đối thoại trực tiếp. Theo nhà lãnh đạo Nga thì hiện vẫn còn nhiều điểm nóng khủng bố ở Idlib và nhiều vùng khác tại Syria.

leftcenterrightdel
Tổng thống Thổ Nhĩ KỳTayyip Erdogan (giữa) tham gia cuộc họp trực tuyến về Syria, ngày 1/7. (Ảnh: aa.com.tr)

Bên cạnh việc nhấn mạnh tới vai trò của một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột tại Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng đề cập tới những nỗ lực hòa giải trên thực địa, bảo vệ thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ Syria.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để người láng giềng Syria của chúng tôi sớm có được hòa bình, an ninh và ổn định…Thổ Nhĩ Kỳ đã sát cánh bên những người anh em Syria ngay từ khi xung đột khởi phát… Không còn nghi ngờ gì nữa, tinh thần hợp tác mà chúng tôi thể hiện dưới vai trò là những nước bảo trợ tiến trình Astana sẽ quyết định tương lai của Syria” – Tổng thống Erdogan cho biết.

Tuyên bố chung nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho Syria

Kết thúc cuộc họp trực tuyến ngày 1/7, lãnh đạo ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố chung khẳng định không hề tồn tại một giải pháp quân sự cho cuộc chiến sự Syria mà chỉ có thể được giải quyết thông qua một tiến trình chính trị.

Tuyên bố chung nêu rõ, các nhà lãnh đạo Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí tiến hành Hội nghị thượng đỉnh ba bên tiếp theo về tình hình Syria tại Iran, song không ấn định thời điểm cụ thể.

Theo đánh giá của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng ngày giữa các nhà lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “rất mang tính xây dựng”. Nhân sự kiện này, các bên đã nhất trí tiếp tục phối hợp, tập trung vào mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng, tiến trình chính trị và hỗ trợ nhân đạo. Đại diện ngoại giao Iran tin tưởng vào tương lai đạt được mục tiêu thiết lập hòa bình tại Syria.

Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là 3 nước dẫn đầu tiến trình hòa bình Syria, được biết đến với tên gọi “tiến trình Astana” vì thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan trước đây có tên gọi là Astana, là nơi diễn ra cuộc họp đầu tiên của các bên.

Các cuộc đối thoại trong khuôn khổ tiến trình Astana đã dẫn tới hai thỏa thuận. Thỏa thuận thứ nhất được ký tại thủ đô của Kazakhstan, đề cập tới việc thiết lập các vùng giảm căng thẳng dọc lãnh thổ Syria, gồm một số khu vực thuộc tỉnh Idlib. Thỏa thuận thứ hai được ký tại khu nghỉ dưỡng Sochi của Nga, cho phép Ankara triển khai một lực lượng nhỏ tới các trạm quan sát để thắt chặt các biện pháp giảm leo thang căng thẳng.

Hai thỏa thuận trên được cho là đã làm giảm đáng kể tình hình chiến sự tại Syria. Tuy nhiên, nội chiến vẫn chưa kết thúc và tiếp tục gây nên những nỗi thống khổ cho người dân Syria. Theo số liệu thống kê, chiến sự kéo dài 9 năm qua đã làm hơn 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải đi sơ tán. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận 4 triệu người tị nạn Syria, con số cao hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực