Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2022

Thứ tư, 12/01/2022 16:14
(ĐCSVN) – Ngày 11/1, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 4,1% trong năm 2022, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra trước đó do diễn biến căng thẳng của tình hình đại dịch COVID-19.
WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 do diễn biến của tình hình đại dịch COVID-19. (Ảnh: businessday.ng)

Theo báo cáo được công bố, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đe dọa đến triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. WB dự báo tăng trưởng kinh tế thuộc khu vực này sẽ giảm từ mức 6,3% trong năm 2021 xuống còn 4,6% trong năm 2022 và 4,4% trong năm  2023.

“Các nước đang phát triển đang đối mặt với các vấn đề dài hạn nghiêm trọng liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, các chính sách vĩ mô toàn cầu và gánh nặng nợ”, Chủ tịch WB David Malpass nhấn mạnh. 

WB cảnh báo biến thể Omicron tiếp tục lan rộng sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lực lượng lao động.

Cũng theo báo cáo, sau khi ghi nhận mức phục hồi ấn tượng 6,7% vào năm 2021, các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay và 2,7% vào năm 2023.

WB dự đoán tăng trưởng của Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, sẽ giảm tốc xuống còn 1,4% trong năm nay, và bật lên 2,7% vào năm 2023. Trong khi đó, tăng trưởng của Mexico sẽ đạt 3% trong năm nay và 2,2 vào năm tới. Tăng trưởng của Argentina ước đạt 2,6% trong năm 2022 và 2,1% vào năm 2023, trong khi đà phục hồi mạnh mẽ của Chile, Colombia và Peru trong năm 2021 cũng sẽ chậm lại trong năm nay và năm tới. 

Tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, WB dự báo tăng trưởng kinh tế thuộc khu vực này sẽ giảm xuống mức 5,1% trong năm 2022 trước khi tăng nhẹ lên mức 5,2% trong năm 2023.

Ở châu Âu và Trung Á, tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại 3% vào năm 2022 và 2,9% vào năm 2023. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ ở mức 4,4% trong năm 2022 trước khi giảm còn 3,4% trong năm 2023, trong đó tăng trưởng ở Đông Âu được dự báo là khu vực tăng trưởng chậm nhất khi giảm từ 3,1% năm 2021 xuống 1,4% vào năm 2022.

Báo cáo của WB dự đoán tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm xuống còn 3,8% trong năm nay, thấp hơn so với mức 5% trong năm ngoái, và có thể giảm mạnh xuống còn 2,3% trong năm 2023. Tuy nhiên, WB cho rằng sản lượng và hoạt động đầu tư của những nền kinh tế này sẽ trở lại xu hướng trước đại dịch vào năm 2023.

Các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới cũng không tránh khỏi tác động kinh tế của đại dịch. WB đã hạ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm 2021 xuống còn 5,6% và dự báo mức này sẽ giảm tiếp trong năm 2022 và năm 2023, lần lượt xuống còn 3,7% và 2,6%. Trong khi đó, WB dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo. Tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong năm 2021 là 1,7%, thấp hơn 1,2% so với dự báo hồi tháng 6 năm ngoái, song sẽ tăng lên mức 2,9% trong năm nay.

Trong khi đó, những nền kinh tế mong manh và chịu tác động của xung đột sẽ thấp hơn 7,5% so với xu hướng trước đại dịch, còn các quốc đảo nhỏ chịu tác động nặng nề từ sự sụp đổ ngành du lịch, sẽ thấp hơn 8,5% so với trước đại dịch.

Dự kiến, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong bản báo cáo công bố vào ngày 25/1 tới đây.

Báo cáo được WB công bố chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về một làn sóng COVID-19 mới với biến thể Omicron có nguy cơ nhấn chìm các hệ thống y tế trên khắp châu Âu. Giám đốc WHO Hans Kluge cảnh báo, hơn một nửa dân số trong khu vực này sẽ bị nhiễm biến chủng mới trong hai tháng tới và tác động của nó sẽ là nghiêm trọng nhất ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Trung và Đông Âu./.

H.Hà (Theo worldbank.org, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực