Ngoại trưởng Mỹ thận trọng về triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

Thứ hai, 23/10/2017 16:47
(ĐCSVN) – Cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài hơn 4 tháng qua tại vùng Vịnh vẫn “chỉ có rất ít cơ hội” được tháo gỡ trong bối cảnh chưa xuất hiện dấu hiệu cho thấy, liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu đã sẵn sàng khởi động các vòng đối thoại trực tiếp để cải mối quan hệ với Qatar.
Ngoại trưởng Mỹ Rex  Tillerson. (Ảnh: NHK)

Nhận định trên được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 22/10, trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông và sau khi ông đã tiến hành đối thoại “1+1” với các nhà lãnh đạo Ả rập Xê út và Qatar.

Ông Tillerson cho biết, ông đã trực tiếp đề nghị Thái tử Ả rập Xê út Mohammed Bin Salman đối thoại với Qatar, song vẫn chưa có “tín hiệu mạnh mẽ” nào cho thấy các bên đã sẵn sàng cùng ngồi vào bàn thảo luận.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bắt đầu bùng phát từ ngày 5/6, sau khi liên minh các nước Ả rập và vùng Vịnh do Ả rập Xê út dẫn đầu tuyên bố đóng băng quan hệ, áp đặt các biện pháp phong tỏa trên bộ, trên biển và hàng không với Qatar trước cáo buộc chính quyền Doha hậu thuẫn khủng bố và gây bất ổn trong khu vực.

Trước bối cảnh trên, Mỹ đã theo đuổi nhiều nỗ lực trung gian hòa giải nhằm hàn gắn mối quan hệ giữa các bên liên quan, trong một phần nỗ lực nhằm xích các nước vùng Vịnh lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Qatar hiện đang là nơi đồn trú của một căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, với quân số lên tới 11.000 người. Do đang bị một số nước láng giềng không cho tiếp cận vùng không phận, các máy bay của Qatar thực hiện sứ mệnh hỗ trợ cho liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu đang phải sử dụng các đường bay thay thế.

Trong khi đó, giới quan sát cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang tiếp diễn giữa Qatar và khối các nước do Ả rập Xê út dẫn đầu sẽ để lại những hậu quả trong dài hạn. Điển hình là việc Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm sự tham gia của Ả rập Xê út và Qatar, dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2017, có nguy cơ sẽ bị trì hoãn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, trong tổng số 6 nước tham gia GCC gồm Ả rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman thì có tới 4 nước đang duy trì quan hệ căng thẳng với Qatar và trước tầm ảnh hưởng của Ả rập Xê út trong GCC thì rất có thể tổ chức khu vực này sẽ khai trừ Doha.

Liên quan tới vấn đề này, phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Tillerson, ngày 22/10, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani tiếp tục khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của GCC trong lĩnh vực an ninh tập thể. Tuy nhiên, ông Al Thani cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi cho rằng, tổ chức này đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng chống lại Qatar./.

Thu Lan (Theo PressTV, NHK)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực