Ngoại trưởng Qatar: Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ không thể giải quyết sớm

Thứ bảy, 15/07/2017 19:26
(ĐCSVN) – Qatar cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ đang xảy ra giữa Doha và một số nước láng giềng sẽ “không thể giải quyết trong một sớm một chiều”, trong bối cảnh các nỗ lực hòa giải gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã không mang lại kết quả đột phá.

Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani (trái) họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại thủ đô Ankara, ngày 14/7. (Ảnh: AFP)

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại thủ đô Ankara, ngày 14/7, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đã miêu tả tình hình căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh hiện nay là một “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.

Ông Sheikh Mohammed cho rằng, sẽ là không công bằng nếu như khẳng định sứ mệnh hòa giải của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thất bại mà cuộc khủng hoảng này là vấn đề “không thể giải quyết trong một sớm một chiều”. Nhà ngoại giao này tuyên bố Qatar sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và Kuwait nhằm chấm dứt thế bế tắc về ngoại giao hiện nay giữa Doha và 4 nước Ả rập láng giềng.

Cách đây vài ngày, ông Tillerson đã tới khu vực để đối thoại với Hoàng tử Ả rập Xê út Mohammad bin Salman Al Saud và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani về giải pháp hàn gắn mối quan hệ rạn nứt ngoại giao trong khu vực. Những nỗ lực của ông Tillerson cho dù đã không mang lại kết quả đột phá trước mắt, song nhà ngoại giao Mỹ đã tỏ rõ sự tin tưởng rằng, Qatar và các nước láng giềng có thể sẽ sớm có thiện chí đối thoại trực tiếp.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong nhiều năm qua đã bùng phát tại vùng Vịnh Ba Tư từ ngày 5/6, sau khi một số nước gồm: Ả rập Xê út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập đột ngột đình chỉ các mối quan hệ với Qatar trước cáo buộc cho rằng chính quyền Doha đã hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn trong khu vực.

Nhằm tiếp tục gia tăng sức ép với Qatar, Ả rập Xê út còn đóng cửa toàn bộ biên giới trên đất liền với nước láng giềng nhỏ bé này, chính thức cắt đứt tuyến đường cung cấp thực phẩm cho Qatar và buộc chính quyền Doha phải phụ thuộc nguồn cung thực phẩm vào Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 22/6, 4 nước Ả rập đã lên tiếng kêu gọi Qatar tuân thủ bản đề xuất 13 điểm nếu như muốn tình trạng phong tỏa được gỡ bỏ. Các đề xuất trên bao gồm đóng cửa hãng truyền thông Al Jazeera, thu hẹp quan hệ hợp tác với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar và trả một khoản tiền bồi thường cho các nước phải chịu tổn thất từ những hành động của Qatar. Tuy nhiên, chính quyền Doha đã mạnh mẽ bác bỏ và cho rằng các yêu cầu trên mang tính “phi thực tế, không thỏa đáng và không thể chấp nhận được”.

Trong lời phát biểu ngày 14/7, Ngoại trưởng Qatar một lần nữa bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng nước này đã hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố, đồng thời nêu rõ liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu đã thất bại trong việc đưa ra bằng chứng để củng cố cho các cáo buộc đã đưa ra.

Bên cạnh đó, ông Sheikh Mohammed cũng bác bỏ yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar – nơi đồn trú của khoảng 150 binh sỹ, với lý do rằng “không một quốc gia nào trên thế giới có quyền đưa ra vấn đề liên quan tới căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hay quan hệ hợp tác quân sự giữa Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ bởi mối quan hệ hợp tác này nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cũng khẳng định việc một số nước yêu cầu đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar là “không thể chấp nhận được”. Theo quan điểm của ông Cavusoglu thì hiện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang trong giai đoạn đối thoại kỹ thuật nhằm hướng tới việc thực thi đầy đủ một thỏa thuận hợp tác quân sự đã được hai bên ký kết. “Một nước thứ 3 không có quyền yêu cầu gì đối với Qatar hay Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi người cần tôn trọng điều này” – ông Cavusoglu nêu rõ. Đại diện ngoại giao này khẳng định, theo một thỏa thuận mới được ký kết, Qatar đã nhất trí với Mỹ về việc tăng cường các nỗ lực chống khủng bố, và đây có thể được xem là một bằng chứng cho thấy “thái độ thành thật” của Doha trong việc chống lại các nhóm cực đoan.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chia sẻ lập trường của người đồng cấp Qatar về triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh khi nhấn mạnh rằng: “Vấn đề này có thể sẽ không thể được tháo gỡ trong ngắn hạn, song chúng tôi hy vọng một giải pháp sẽ hé lộ trong trung hạn”. /.

Thu Lan (Theo AP, PressTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực