Nhật Bản nâng đánh giá kinh tế đối với tất cả 9 vùng

Thứ tư, 12/01/2022 18:53
(ĐCSVN) – Ngày 12/1, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nâng đánh giá kinh tế đối với tất cả 9 vùng của nước này – lần đầu tiên kể từ tháng 10/2013, đồng thời cho rằng sự bùng phát làn sóng dịch bệnh mới sẽ không làm chệch hướng sự phục hồi vốn mong manh của nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nâng đánh giá kinh tế đối với tất cả 9 vùng lần đầu tiên kể từ năm 2013. (Ảnh: CNN)

Trong báo cáo hàng quý, BoJ cho biết, tất cả 9 vùng đều ghi nhận tình hình kinh tế đang cải thiện hoặc có dấu hiệu cải thiện mặc dù nền kinh tế vẫn đang chịu tác động bởi đại dịch COVID-19.

Báo cáo được công bố sau khi các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron được dỡ bỏ hoàn toàn hồi tháng 10/2021, mở đường cho hoạt động kinh tế phục hồi.

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến của giám đốc các chi nhánh của BoJ ngày 12/1, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nhận định nền kinh tế Nhật Bản vẫn trong tình thế khó khăn nhưng đang có xu hướng cải thiện. 

Tuy nhiên, ông Haruhiko Kuroda nhấn mạnh, lạm phát có thể sẽ dần tăng tốc do nhu cầu dự kiến tăng lên. Mặc dù vậy, lạm phát gia tăng được cho là tín hiệu tốt bởi lạm phát còn xa so với mức mục tiêu 2% của BoJ. Theo đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, BoJ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng nhằm đạt mức mục tiêu lạm phát 2% đề ra.

Trước đó, ngày 8/12/2021, Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố số liệu cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2021 của nước này thực tế giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý III/2021, Nhật Bản đã phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5 của dịch COVID -19 với số ca nhiễm mới liên tục tăng, buộc Chính phủ Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 20 tỉnh, thành khác, dẫn tới việc người dân hạn chế ra ngoài đường và các cơ sở kinh doanh ăn uống phải đóng cửa sớm. 

Nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, ông Takeshi Minami cho biết, kinh tế Nhật Bản suy giảm nhiều hơn trong quý III/2021 so với dự kiến do nguồn cung bị hạn chế đã khiến sản lượng và chi tiêu vốn bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước đó, ngày 6/12, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình Quốc hội dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2021, tổng trị giá lên tới 36.000 tỷ yen (320 tỷ USD) nhằm tài trợ một phần cho gói kích thích kinh tế. Đây là dự thảo ngân sách bổ sung đầu tiên được xây dựng dưới thời chính quyền của tân Thủ tướng Kishida Fumio.

Với ngân sách kỷ lục, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19 cũng như để tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị đối phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh do sự xuất hiện biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

BoJ mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này cho năm tài khóa 2021, nhưng vẫn cho rằng nền kinh tế đang hồi phục ở mức độ vừa phải trước tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, BOJ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022) xuống còn 3,8%, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra trước đó./.

H.Hà (Theo Reuters, CNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực