"Omicron tàng hình" không mạnh hơn phiên bản gốc

Thứ năm, 24/02/2022 08:32
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn được gọi là "Omicron tàng hình" không mạnh hơn phiên bản gốc của Omicron (BA.1).

Bà Maria Van Kerkhove – quan chức đứng đầu nhóm phụ trách kỹ thuật của WHO, cho biết dựa trên các mẫu của những người từ nhiều quốc gia khác nhau, các chuyên gia của WHO nhận thấy "không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh nghiêm trọng giữa biến thể BA.1 và BA.2, do đó có thể nói khả năng gây bệnh nặng và nguy cơ nhập viện giữa hai phiên bản này là tương tự nhau".

Theo bà Van Kerkhove, đánh giá này thực sự quan trọng vì tại nhiều quốc gia, số ca nhiễm BA.1 và BA.2 đều đã tăng lên đáng kể. Đây là kết quả đánh giá của một ủy ban chuyên gia phụ trách giám sát sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.

 Kết luận trên của các chuyên gia WHO được cho là có tác dụng trấn an đối với các nước như Đan Mạch, nơi phiên bản BA.2 của biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng.

 Nước Đức sẽ dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo lộ trình 3 bước (Ảnh minh họa: AA)

Về số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới, trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 24/2 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.711.050 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 429.704.253 ca, trong đó 5.934.765 ca tử vong và  358.013.751 ca đã được chữa khỏi.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (153.002.669 ca), tiếp theo là châu Á (113.671.526 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (94.439.906 ca) và Nam Mỹ (53.733.477 ca). Châu Phi (11.483.732 ca) và châu Đại Dương (3.372.222 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tại châu Âu, Đức và Nga hiện là hai nước đang chứng kiến số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất khu vực và thế giới, lần lượt ở mức 219.859 ca và 137.642 ca. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 16/2 cho biết nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình 3 bước trong bối cảnh hầu hết các địa phương ở nước này đã đi qua "đỉnh" của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, ông Scholz cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Ở giai đoạn thứ 3 từ ngày 20/3 tới, mọi biện pháp hạn chế lớn đều sẽ được dỡ bỏ nếu tình hình ở các bệnh viện cho phép.

Tại châu Á, Thái Lan thông báo tiếp tục nới lỏng những quy định đối với du khách nhập cảnh theo chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm & Lên đường) kể từ đầu tháng tới. Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới tăng lên mức kỷ lục là 171.452 trường hợp. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm vượt mốc 150.000 ca/ngày và tăng gần gấp đôi so với mức 97.475 ca của một ngày trước đó. Tại Nhật Bản, dịch có dấu hiệu lắng dịu sau khi ghi nhận con số kỷ lục 104.345 ca mắc mới hôm 3/2. Tuy nhiên, số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở nước này vẫn tăng cao kỷ lục. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy Nhật Bản ghi nhận 69.525 ca mắc mới trong ngày 22/2, giảm hơn 14.600 ca so với một tuần trước đó.

Tại châu Mỹ, Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với 80.332.868 ca mắc và 965.855 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 48.703 ca nhiễm mới.

Tại châu Phi, Nam Phi ghi nhận 3.117 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này là 3.665.149 ca, trong đó 98.978 ca đã tử vong.

Tại châu Đại Dương, Australia bắt đầu tiêm cho trẻ em 6-11 tuổi kể từ ngày 24/2 bằng vaccine mRNA ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ), mang tên Spikevax. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi tại Australia sau vaccine của hãng Pfizer. Loại vaccine đầu tiên đang được tiêm cho tất cả công dân Australia từ 5 tuổi trở lên./.

KG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực