OPEC cắt giảm dự báo về nhu cầu dầu năm 2021

Thứ sáu, 12/11/2021 15:02
(ĐCSVN) – Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021 do giá năng lượng tăng cao kìm hãm sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.​

Ngày 11/11, trong báo cáo hàng tháng được đưa ra, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2021 sẽ tăng thêm 5,7 triệu thùng/ngày, thấp hơn 160.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó.

OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2021 do giá năng lượng tăng cao kìm hãm sự phục hồi sau đại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters)

Việc giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ là do "tốc độ tiêu thụ chậm hơn ở Trung Quốc và Ấn Độ trong quý III/2021", báo cáo nêu rõ. Hiện nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 là 96,44 triệu thùng/ngày.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm hơn dự báo trong quý III/2021 do cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Trong khi đó, báo cáo của OPEC cho biết đà phục hồi của Ấn Độ sẽ vẫn bị ảnh hưởng do các tác động kéo dài của làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 gần đây.

Báo cáo tháng 11 của OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu ở mức 4,15 triệu thùng/ngày trong năm 2022, điều này đồng nghĩa với mức tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ ở mức trung bình 100,6 triệu thùng/ngày, tức là nhiều hơn 500.000 thùng/ngày so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2019.

Theo báo cáo, nhu cầu dầu mỏ tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được dự báo sẽ tăng 5,8%, đạt 44,46 triệu thùng/ngày trong năm nay, trong khi nhu cầu dầu ở các nước ngoài OECD sẽ tăng 6,6%, đạt 51,98 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, nhu cầu dầu ở các nước OECD năm 2022 sẽ tăng 4,13% lên 46,30 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu dầu của các nước ngoài OECD cũng dự kiến tăng 4,45% lên 54,29 triệu thùng/ngày.

Trong một diễn biến liên quan, sau báo cáo của OPEC, tại phiên giao dịch sáng ngày 12/11, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 0,21% lên 81,34 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tháng 1/2022 cũng tăng nhẹ 0,05% lên 82,59 USD/thùng. 

Giá dầu thế giới trong năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua, đạt hơn 86 USD/thùng nhờ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại nhiều nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan cũng như OPEC và các đối tác xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) vẫn tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô không vượt ngưỡng hàng tháng 400.000 thùng/ngày, tính tới tháng 12/2021.

Quyết định của OPEC+ đưa ra bất chấp sức ép của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản kêu gọi tăng mạnh sản lượng nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Abdulaziz bin Salman cho biết, OPEC+ cần phải thận trọng với cách tiếp cận điều chỉnh sản lượng dầu mỏ bất chấp giá nhiên liệu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo./.

H.Hà (Theo Reuters, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực