OPEC+ đạt thỏa thuận tiếp tục duy trì nguồn cung

Thứ sáu, 03/12/2021 16:08
(ĐCSVN) – Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 2/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách sản lượng dầu mỏ hiện nay trong tháng 1/2022.
  OPEC+ đã nhất trí duy trì chính sách tăng sản lượng hiện nay ở mức 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022.
(Ảnh: aa.com.tr)

Theo đó, 23 thành viên OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022.

Theo thỏa thuận đạt được tại cuộc họp trước đó, các thành viên OPEC+ đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12/2021 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, bất chấp việc các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới kêu gọi liên minh này tăng thêm nguồn cung ra thị trường. Tuy nhiên, liên minh này cũng cho biết có thể có những điều chỉnh chính sách sản lượng tức thì dựa trên điều kiện của thị trường.

OPEC+ đã từ chối đề xuất tăng thêm sản lượng của Mỹ cùng các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. OPEC+ lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.

OPEC+ dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ dư thừa 3 triệu thùng/ngày trong quý I/2022, sau khi các kho dự trữ nói trên được mở, cao hơn so với mức 2,3 triệu thùng/ngày dự báo trước đó.

Trước thềm các cuộc họp trong tuần này, hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC+ là Nga và Ả rập Xê út nói rằng không cần có "phản ứng tự động" để điều chỉnh chính sách sản lượng.

Tại cuộc họp, OPEC+ cũng đã cân nhắc những tác động về việc Mỹ và các nước tiêu thụ lớn khác gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh tuyên bố mở kho dự trữ dầu thô khẩn cấp vào tuần trước để hạ nhiệt giá năng lượng. Nhóm này không cho rằng việc xuất dầu thô từ các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của một số quốc gia có thể tạo ra tác động “có ý nghĩa" trên thị trường dầu toàn cầu.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo.

Giá dầu thế giới cũng được hỗ trợ bởi thông tin OPEC+ quyết định duy trì chính sách xuất khẩu dầu mỏ ở thời điểm hiện tại trong tháng 1/2022. Tại phiên giao dịch sáng ngày 3/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Tây Taexas (WTI) tăng 0,73 USD/thùng lên mức 67,23 USD/thùng; giá dầu thô Brent tăng 0,8 USD/thùng lên mức 69,67 USD/thùng.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu là khá khiêm tốn so với mức giảm mạnh trong phiên giao dịch trước đó bởi lo ngại về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vẫn đang phủ bóng đen trên các thị trường, đe doạ triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu thị trường năng lượng, OPEC+ cho rằng nhu cầu nhiên liệu trong ngành vận tải ở châu Âu cũng có thể bị ảnh hưởng do một số các quốc gia không cho phép nhập cảnh du khách đến từ miền Nam châu Phi – nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể này./.

Hoài Hà (Theo Reuters, CNBC)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực