OPEC+ nhóm họp về chính sách sản lượng

Thứ năm, 02/12/2021 16:32
(ĐCSVN) – Ngày 1/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác (OPEC+) đã bắt đầu các cuộc thảo luận về tình hình thị trường hiện nay cũng như chính sách cung cấp và sản xuất dầu trong bối cảnh sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang đe dọa đến nhu cầu năng lượng toàn cầu.
 OPEC+ nhóm họp nhằm thảo luận về chính sách sản lượng cũng như đánh giá tác động của biến thể Omicron đến nhu cầu năng lượng toàn cầu. (Ảnh: azernews.az)

Trước thềm các cuộc họp trong tuần này, hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC+ là Nga và Ả rập Xê út nói rằng không cần có "phản ứng tự động" để điều chỉnh chính sách sản lượng. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar nhận định OPEC+ sẽ chỉ mở rộng chính sách sản lượng hiện nay trong ngắn hạn.

Theo Reuters, một số nhà phân tích cho rằng OPEC+ có thể trì hoãn kế hoạch cung cấp thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022. Nhóm này đã cân nhắc những tác động về việc Mỹ và các nước tiêu thụ lớn khác gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh tuyên bố mở kho dự trữ dầu thô khẩn cấp vào tuần trước để hạ nhiệt giá năng lượng.

Quyết định của Mỹ đưa ra trong bối cảnh OPEC+ đã nhất trí tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu liên tiếp chạm các mốc kỷ lục.

Theo báo Arab News của Ả rập Xê út, OPEC+ không cho rằng việc xuất dầu thô từ các kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của một số quốc gia có thể tạo ra tác động “có ý nghĩa" trên thị trường dầu toàn cầu.

OPEC+ dự báo nguồn cung toàn cầu sẽ dư thừa 3 triệu thùng/ngày trong quý I/2022, sau khi các kho dự trữ nói trên được mở, cao hơn so với mức 2,3 triệu thùng/ngày dự báo trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng OPEC+ sẽ tạm dừng kế hoạch bổ sung nguồn cung 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022.

Khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau COVID-19, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã tăng lên vào năm 2021 được cho là dẫn đến giá cả tăng mạnh. Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm sau khi OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô ở mức 400.000 thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu liên tiếp chạm các mốc kỷ lục.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo.

Đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với nhu cầu thị trường năng lượng, OPEC+ cho rằng nhu cầu nhiên liệu trong ngành vận tải ở châu Âu cũng có thể bị ảnh hưởng do một số các quốc gia không cho phép nhập cảnh du khách đến từ miền Nam châu Phi – nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.

Ngày 29/11, Mỹ đã bắt đầu áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ 8 quốc gia thuộc khu vực miền Nam châu Phi nhằm ngăn chặn biến thể Omicron, cũng như giúp cho giới chuyên gia có thêm thời gian để đánh giá về mức độ nghiêm trọng, khả năng truyền nhiễm và tác động của biến thể này đối với các loại vaccine. Theo quy định hạn chế đi lại mới nhất, các du khách sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ nếu từng đến Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia hoặc Zimbabwe trong vòng 14 ngày trước đó./.

Hoài Hà (Theo Reuters, Arab News)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực