OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu

Thứ hai, 05/12/2022 16:36
(ĐCSVN) – Ngày 4/12, tại cuộc họp ở Vienna, Áo, Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu trong bối cảnh Nhóm Các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.
OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu sau khi G7 đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.
(Ảnh: Reuters)

Theo đó, mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được OPEC+ đưa ra vào tháng 10 vẫn tiếp tục có hiệu lực đến năm 2023. Các quan chức OPEC+ khẳng định các quyết định của tổ chức đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường này. 

Trước đó, tại cuộc họp chính sách hồi tháng 10 tại thủ đô Vienna (Áo), Các Bộ trưởng Năng lượng thuộc OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 vừa qua cho tới hết năm 2023. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa các Bộ trưởng OPEC+ và cũng là đợt giảm sản lượng lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Tuy nhiên, Mỹ và các nước phương Tây phản đối quyết định này.

OPEC+ khi đó lập luận rằng nguyên nhân khiến họ cắt giảm sản lượng là vì triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10/2022 khi kinh tế Trung Quốc và toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lãi suất tăng cao.

Ngày 3/12 vừa qua, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đề xuất đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 5/12.

Trước đó ngày 2/12, G7 và Australia đã áp mức trần giá dầu nói trên đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, trong một động thái nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của nước này, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu của quốc gia này trên thị trường toàn cầu.

Phản ứng trước quyết định trên, Moskva khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mua dầu của nước này và cho rằng việc các Chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là động thái “nguy hiểm”.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng việc phương Tây áp giá trần lên dầu mỏ của Nga là một hành vi can thiệp thô bạo, đi ngược lại các nguyên tắc tự do thương mại và sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu.

Nhiều nhà phân tích và các Bộ trưởng OPEC nói rằng việc áp giá trần là khó hiểu và không hiệu quả vì phần lớn Moskva bán dầu cho các nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Một số thành viên OPEC+ cho rằng việc áp giá trần là một biện pháp chống lại thị trường.

OPEC+ cho biết, cuộc họp tiếp theo về sản lượng được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/2/2023.

JP Morgan trước đó cho biết, OPEC+ có thể xem xét mức sản xuất trong năm mới dựa trên dữ liệu mới về xu hướng nhu cầu của Trung Quốc và sự tuân thủ của người tiêu dùng đối với mức giá trần đối với sản lượng dầu thô và lưu lượng tàu chở dầu của Nga./.

H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực