Quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp "hạ nhiệt"

Thứ tư, 06/10/2021 18:02
(ĐCSVN) – Mỹ và Pháp hôm qua (5/10) đã tiến gần hơn đến bình thường hóa quan hệ, sau một thời gian căng thẳng, liên quan đến Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có hợp đồng mua bán tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia.
Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng thống Pháp giữa lúc quan hệ song phương căng thẳng. Ảnh: Reuters 

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Pháp

Trước việc Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có hợp đồng mua bán tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Australia, Pháp đã triệu hồi Đại sứ của nước này tại Mỹ và Australia về nước, thể hiện sự bất mãn đối với việc Mỹ - Anh và Australia bí mật đàm phán, dẫn tới việc Canberra hủy bỏ đơn đặt hàng mua tàu ngầm của Pháp.

Người Pháp tức giận khi nước này không được bất kỳ quốc gia nào liên quan thông báo thỏa thuận tàu ngầm đã bị hủy bỏ và một hiệp ước mới sắp ra đời.

Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, người đã mô tả thỏa thuận mới giữa Anh, Mỹ và Australia là “một cú đâm sau lưng” với người Pháp.

Sự tức giận của Paris dâng cao khi hợp đồng đóng tàu ngầm mà Pháp ký với Australia từ năm 2016 chấm dứt, sau khi Mỹ, Anh và Australia công bố liên minh quân sự mới có tên AUKUS.

Ngày 19/9, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal thông báo Tổng thống nước này Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ tiến hành điện đàm trong vài ngày tới. Theo ông Gabriel Attal, lãnh đạo Mỹ và Pháp sẽ có cuộc trao đổi qua điện thoại theo đề nghị của Tổng thống Mỹ ông Biden. Dự kiến, ông Macron sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ “làm rõ” sau tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều khiến Canberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris. Ông Gabriel Attal tuyên bố Pháp “cần những lời giải thích từ phía Mỹ”.

Ngày 20/9, Pháp đã hủy hội nghị thượng đỉnh quân sự được lên kế hoạch trong tuần này với Anh. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã trực tiếp ra quyết định hủy Hội nghị thượng đỉnh quân sự song phương giữa ông và người đồng cấp.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden lấy làm tiếc về động thái của Paris và sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết những bất đồng.

Cuộc gặp Mỹ - Pháp được mô tả là "rất hiệu quả" và "nghiêm túc"

Hôm qua (5/10), trong chuyến thăm và làm việc tại Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để thảo luận về các cách thức thúc đẩy quan hệ song phương thời gian tới, bao gồm khả năng hợp tác Mỹ - Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Cuộc gặp riêng giữa Tổng thống Macron và Ngoại trưởng Blinken kéo dài khoảng 40 phút tại Điện Élyseé, được quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là “rất hiệu quả” và “nghiêm túc”. Tại cuộc gặp, hai bên đã nhất trí cần phải làm nhiều hơn để hàn gắn mối quan hệ song phương. Ngoại trưởng Blinken khẳng định với Tổng thống Macron rằng Mỹ chắc chắn ủng hộ các sáng kiến quốc phòng và an ninh của châu Âu, vốn không làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bên cạnh đó, Tổng thống Macron và Ngoại trưởng Blinken đã thảo luận về hợp tác chống khủng bố ở khu vực Sahel của châu Phi. Đây là cuộc đàm phán trực tiếp cấp cao nhất giữa Mỹ và Pháp kể từ khi công bố thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân hôm 15/9. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông hy vọng sẽ giải quyết được khúc mắc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden khi hai người gặp nhau tại Rome (Ý) vào cuối tháng 10.

Cuộc gặp mang tính hoà giải bên lề thượng đỉnh G20 (diễn ra từ ngày 30-31/10) tiếp nối cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng trước, được kỳ vọng có thể chấm dứt đợt căng thẳng giữa hai nước sau khi Mỹ bí mật đàm phán thoả thuận quân sự mang tên AUKUS với Úc và Anh./.

Văn Minh (nguồn VOV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực