SIPRI: Lợi nhuận của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí vẫn tăng, bất chấp đại dịch

Thứ hai, 06/12/2021 16:34
(ĐCSVN) – Ngày 6/12, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo cho biết đa phần các công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới vẫn “né” được suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19. Việc chính phủ nhiều nước có động thái đẩy mạnh việc mua vũ khí đã bảo đảm nguồn thu “dồi dào” cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa: Mike Mareen/stock.adobe.com 

Số liệu thống kê cụ thể từ SIPRI cho thấy, doanh số thu được từ việc bán vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới đạt mức 531 tỷ USD trong năm 2020, tương đương với mức tăng 1,3% so với năm 2019. Điều đáng nói, 531 tỷ USD là mức doanh thu kỷ lục mà các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp vũ khí thu về trong năm 2020, bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm hơn 3% do tác động của đại dịch COVID-19.

Theo đó, doanh số bán vũ khí của 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới vào năm 2020 cao hơn 17% so với năm 2015 - năm đầu tiên SIPRI công bố dữ liệu gồm cả từ các công ty Trung Quốc. Đây là năm thứ sáu liên tiếp Top 100 công ty xuất khẩu vũ khí trên thế giới ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận.

Đánh giá thường niên SIPRI chỉ ra rằng, các công ty sản xuất vũ khí thường được hưởng lợi từ nhu cầu bền vững của chính phủ về các dịch vụ và hàng hóa quân sự. Một số nước thậm chí đã thông qua các biện pháp nhằm trợ giúp các công ty vũ khí lớn của mình. Các hợp đồng mua bán vũ khí quân sự thường kéo dài nhiều năm cũng là một yếu tố bảo đảm doanh thu của các công ty không bị tác động bởi khủng hoảng. 

Theo số liệu từ SIPRI, doanh thu của các công ty sản xuất vũ khí vẫn tiếp tục gia tăng, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bị sụt giảm 3,1% trong năm đầu tiên chịu tác động bởi dịch bệnh. Ông Alexandra Marksteiner - nhà nghiên cứu của Chương trình Sản xuất Vũ khí và Chi tiêu Quân sự của SIPRI cho rằng, “các gã khổng lồ trong ngành sản xuất vũ khí” phần lớn đã được “che chắn” bởi nhu cầu bền vững từ chính phủ các nước đối với hàng hóa và dịch vụ quân sự.

"Tại phần lớn các khu vực trên thế giới, chi tiêu quân sự tăng lên và chính phủ một số nước thậm chí còn tăng tốc thanh toán cho ngành công nghiệp vũ khí để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19” - phân tích của SIPRI chỉ rõ.

Theo số liệu từ SIPRI, top 5 công ty đứng đầu doanh thu đều là hãng sản xuất của Mỹ. Trong năm qua, doanh thu bán vũ khí của 41 công ty sản xuất vũ khí của Mỹ đạt mức 285 tỷ USD - tăng 1,9% so với năm 2019 - và chiếm 54% tổng doanh số bán vũ khí của Top 100 công ty đứng đầu toàn cầu. Kể từ năm 2018, năm công ty đứng đầu trong bảng xếp hạng đều có trụ sở tại Mỹ.

Một số thông tin đáng chú ý

- Nhìn chung, doanh số bán vũ khí của các công ty trong Top 100 có trụ sở không thuộc Mỹ, Trung Quốc, Nga và châu Âu đạt tổng cộng 43,1 tỷ USD vào năm 2020 — tăng 3,4% kể từ năm 2019. Con số này chiếm 8,1% tổng doanh số bán vũ khí trong Top 100 công ty sản xuất vũ khí đứng đầu thế giới.

- Doanh thu bán vũ khí của 5 công ty Nhật Bản nằm trong bảng xếp hạng là 9,9 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 1,9% tổng doanh thu của Top 100.

- Bốn công ty Hàn Quốc được đưa vào bảng xếp hạng. Doanh số bán vũ khí tổng hợp của các công ty này đạt mức 6,5 tỷ USD vào năm 2020, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Doanh thu bán vũ khí kết hợp của ba công ty Ấn Độ trong Top 100 tăng 1,7%. Vào năm 2020, Chính phủ Ấn Độ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu theo từng giai đoạn đối với một số loại thiết bị quân sự để tăng cường khả năng tự lực sản xuất vũ khí. 


T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực