Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt ngưỡng 227 triệu

Thứ năm, 16/09/2021 09:44
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 16/9, thế giới ghi nhận 227.220.033 ca nhiễm COVID-19, với 4.672.347 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 560.504 ca mắc mới, trong đó, Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 163.828 ca.
Học sinh Tunisia thực hiện các biện pháp phòng dịch trong ngày đầu tới trường khai giảng năm học mới, ngày 15/9/2021. (Ảnh: Xinhua) 

Trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi sự lây lan chưa có điểm dừng của đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu, dự kiến Mỹ sẽ gửi một bản dự thảo dài 3 trang tới các quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhóm khu vực tư nhân được Mỹ mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 trực tuyến bên lề khóa họp thường niên lần thứ 76 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào đầu tuần tới. Tài liệu này cũng yêu cầu các nước “với năng lực phù hợp” quyên góp thêm 1 tỷ liều vaccine và xúc tiến bàn giao 2 tỷ liều như đã cam kết. Hiện Mỹ đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo toàn cầu ủng hộ những mục tiêu đầy tham vọng nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19, bao gồm việc đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào năm 2022.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 16/9, hiện 42,4% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 5,79 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 31,56 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp, dù đã được cải thiện song vẫn còn khiêm tốn và vẫn giữ nguyên ở mức 1,9% so với khoảng 1 tuần trước đó.

Còn trong bản “Thông điệp liên minh” đọc ngày 15/9, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng khẳng định cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn cầu để có thể ngăn chặn bùng phát một đại dịch ở những người không tiêm chủng. Bên cạnh đó, bà von der Leyen cũng thừa nhận có sự chênh lệch về tiêm chủng giữa các quốc gia phát triển với các nước nghèo hơn. Từ đó, bà đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, cũng như cam kết tài trợ thêm 200 triệu liều vaccine cho thế giới, nâng tổng số vaccine viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) lên 450 triệu liều.

Về diễn biến dịch bệnh cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 16/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 203.916.159 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.631.527 ca bệnh đang điều trị thì có 18.529.796 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 101.821 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất. 

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 57.172.792 trường hợp, trong đó có 1.197.243 ca tử vong và 52.318.402 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 127.864 ca mắc mới.

Hiện Bắc Mỹ có 50.998.051 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.037.098 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 42.479.376 ca nhiễm và 685.019 ca tử vong vì COVID-19.

Các ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở trẻ em tại Mỹ khi năm học bắt đầu và nhiều trường không bắt buộc học sinh phải đeo khẩu trang. Viện Nhi khoa Mỹ cho biết số ca mắc mới hằng tuần hiện đã lên tới 243.373 ca, tăng khoảng 240% kể từ tháng 7 vừa qua. Trong bối cảnh hàng nghìn trẻ em trên khắp nước Mỹ phải cách ly trong vài tuần đầu tiên đến trường do nhiễm virus SARS-CoV-2, Tổng thống J.Biden đã thúc đẩy kế hoạch mới về triển khai tiêm vaccine, bao gồm việc tiêm vaccine cho giáo viên và nhân viên trường học.

Tính đến sáng 16/9, Nam Mỹ có 37.308.214 ca nhiễm COVID-19, với 1.143.660 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.034.610 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 73.375.028 ca nhiễm COVID-19. Trong nhiều ngày qua, khu vực này luôn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tính theo ngày. Trong 24 giờ qua, châu Á có thêm 191.752 ca nhiễm COVID-19, trong đó, Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất với 30.361 ca.

Tính đến sáng 16/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.172.728 trường hợp, trong đó có 204.939 ca tử vong và 7.418.484 ca bình phục.

Sáng 16/9, châu Đại Dương có thêm 1.908 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tới thời điểm hiện tại lên 192.499 trường hợp, với 2.482 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 78.580 ca, tiếp theo sau là Fiji với 49.390 ca./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực