Tây Ban Nha kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các khoản thuế áp đặt đối với hàng hóa EU

Thứ sáu, 14/08/2020 14:25
(ĐCSVN) – Ngày 13/8, trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại Tây Ban Nha kêu gọi Mỹ nên dỡ bỏ các khoản thuế được áp đặt đối với các hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) bởi khối này tuân thủ tất cả các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới tập đoàn sản xuất máy bay Airbus.
Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn kéo dài nhiều năm về vấn đề trợ cấp chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay. (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Maroto cho biết, Chính phủ Tây Ban Nha phản đối quyết định của Mỹ chỉ một ngày sau khi Mỹ tuyên bố tiếp tục duy trì mức thuế áp lên hàng hóa của EU, trong đó giữ nguyên mức áp thuế 15% đối với máy bay Airbus và 25% đối với các hàng hóa khác nhập khẩu từ EU, bất chấp những động thái gần đây của EU nhằm giải quyết các tranh cãi kéo dài đã 16 năm xung quanh vấn đề trợ cấp chính phủ cho hãng sản xuất máy bay Airbus.

Bà Maroto cho hay, Mỹ nên tìm kiếm một giải pháp cho mâu thuẫn này, nhấn mạnh rằng điều này sẽ giúp ngăn EU triển khai các biện pháp trả đũa nhằm vào việc Mỹ trợ cấp cho Hãng chế tạo và sản xuất máy bay Boeing. 

Hiện, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Tây Ban Nha như rượu và dầu ôliu nằm trong số các mặt hàng bị Mỹ đánh thuế nặng nhất. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cho rằng việc trả đũa là một “sai lầm chiến lược”. Cũng trong ngày 13/8, Hiệp hội các nhà sản xuất rượu của Tây Ban Nha cũng kêu gọi châu Âu và Mỹ nối lại các cuộc đàm phán trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Mỹ, thị trường xuất khẩu rượu lớn thứ hai của Tây Ban Nha giảm từ 1/5 – 1/3 hàng tháng.

Trước đó, ngày 12/8, Mỹ cho biết sẽ không áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU trị giá 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn giữ nguyên mức áp thuế suất 15% đối với máy bay và 25% đối với các sản phẩm khác nhập khẩu từ EU do những căng thẳng giữa Mỹ và EU liên quan đến vấn đề trợ cấp chính phủ cho Airbus.

Năm 2019, WTO cho phép Mỹ áp đặt mức thuế lên tới 100% đối với các hàng hóa của EU, với tổng trị giá 7,5 tỷ USD. Sau đó, Washington đã áp mức thuế suất 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, trong đó có rượu, pho mát và dầu ôliu, đồng thời tăng mức thuế từ 10% lên 15% đối với các dòng máy bay do Airbus sản xuất.

Tháng 6 vừa qua, Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa trị giá 3,1 tỷ USD nhập khẩu từ EU, trong đó có các sản phẩm như bánh mì, bia, rượu gin và rượu vodka. Đến tháng 7, EU tuyên bố tuân thủ các phán quyết của WTO, song kêu gọi Mỹ ngừng áp thuế đối với các máy bay của Airbus cũng như các sản phẩm khác của EU vì vấn đề trợ cấp chính phủ cho Airbus. Ủy viên Thương mại của EU Phil Hogan nêu rõ, các khoản thuế phi lý nhằm vào các sản phẩm EU là “không thể chấp nhận được” và với sự tuân thủ quy định của WTO trong trường hợp Airbus, EU yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các khoản thuế vô lý ngay lập tức.

Đã 16 năm trôi qua, các mâu thuẫn giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại liên quan đến vấn đề trợ cấp chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004, khi Mỹ cáo buộc Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha đã cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp và hỗ trợ dự án sản xuất một loạt máy bay của Airbus, vi phạm quy định của WTO. Mỹ và Boeing lập luận rằng nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà các nước châu Âu đã dành cho Airbus dưới dạng các khoản vay ưu đãi và dưới lãi suất thị trường, Airbus sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Boeing. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, EU cũng cáo buộc Tập đoàn chế tạo và sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã nhận 19 tỷ USD tiền trợ cấp từ Chính phủ Mỹ trong giai đoạn 1989 - 2006. Những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục kéo dài cho tới nay./.

 

Hoài Hà (Theo Reuters, CNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực