Thâm hụt thương mại của Mỹ lập đỉnh trong tháng 3

Thứ tư, 05/05/2021 15:30
(ĐCSVN) – Ngày 4/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại nước này trong tháng 3/2021 tăng cao kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng mạnh khiến sản lượng nhập khẩu tăng.
leftcenterrightdel
Thâm hụt thương mại Mỹ lập đỉnh trong tháng 3 trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng mạnh khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, thâm hụt thương mại tháng 3 của Mỹ tăng 5,6%, đạt 74,4 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 1/1992 và tăng 57,6% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa mức thâm hụt 70,5 tỷ USD trong tháng 2 vừa qua. Nguyên nhân được cho là do các nhà sản xuất  trong nước không thể đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt do nguồn lực hạn chế cũng như việc đứt quãng chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trong nước đang diễn biến tích cực nhờ việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng và các gói kích thích chi tiêu quy mô lớn đã thúc đẩy nhu cầu nội địa tăng cao cũng khiến cho lượng hàng hóa nhập khẩu vượt xuất khẩu, từ đó dẫn đến sự gia tăng trong thâm hụt thương mại của Mỹ.

Bộ Thương mại nước này dự báo mức thâm hụt sẽ còn tăng khi hoạt động kinh tế trong nước khôi phục nhanh hơn các đối thủ của Mỹ trên toàn cầu. Trước đó, các chuyên gia kinh tế đã dự báo mức thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 3 là 74,5%.

Ông Conrad DeQuadros, cố vấn kinh tế cấp cao từ Brean Capita, New York, cho biết: “Thâm hụt thương mại Mỹ sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu nội địa vượt xa khả năng sản xuất của nền kinh tế”.

Nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu tăng đến mức cao nhất 6,3% lên 274,5 tỷ USD trong tháng 3, chủ yếu là những mặt hàng như đồ chơi, nội thất, chất bán dẫn, thiết bị viễn thông, ô tô… Kỷ lục nhập khẩu trước đó được ghi nhận vào tháng 10/2018 là 266,72 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 3 chỉ tăng 6,6% lên mức 200 tỷ USD.

Cũng trong tháng 3, thâm hụt thương mại giữa của Mỹ với Trung Quốc tăng hơn 22% so với cùng kỳ 2020, lên mức 36,9 tỷ USD. Thâm hụt với Mexico tăng 23,5%, lên mức 8,4 tỷ USD.

Trong năm vừa qua, Chính phủ Mỹ đã chi gần 6.000 tỷ USD cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ linh hoạt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế Mỹ ứng phó trước đại dịch COVID-19. Quý I vừa qua, kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 6,4% sau khi tăng trưởng 4,3% trong quý IV/2020.

“Khi đại dịch được kiểm soát ở Mỹ, người tiêu dùng Mỹ sẽ chi ít hơn vào hàng hoá nhập khẩu và tăng chi vào các dịch vụ trong nước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ở các nước khác sẽ mua thêm hàng hoá Mỹ khi nền kinh tế của nước họ hồi phục thêm”, ông Bill Adams, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc PNC cho hay./.

Hoài Hà (Theo Reuters, CNBC)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực