Thế giới cần 11 tỷ liều vaccine để chấm dứt đại dịch COVID-19

Thứ tư, 14/07/2021 14:39
(ĐCSVN) – 11 tỷ liều là số vaccine cần thiết để có thể tiêm chủng cho 70% dân số thế giới – mức đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng giúp chấm dứt đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh trên, những cam kết về cung cấp vaccine và hỗ trợ tài chính để hiện thực hóa mục tiêu này đều được hoan nghênh – song vẫn là chưa đủ.
leftcenterrightdel
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: aa.com.tr)

Thông điệp nêu trên do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong bài phát biểu khai mạc phiên họp cấp Bộ trưởng của Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững tại Liên hợp quốc, ngày 13/7. Đây là nền tảng hàng đầu để đánh giá tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) được nêu lên trong Chương trình nghị sự.

“Những cam kết về cung cấp vaccine và hỗ trợ tài chính là điều được hoan nghênh, song vẫn là chưa đủ. Chúng ta cần ít nhất 11 tỷ liều vaccine để tiêm cho 70% dân số toàn cầu và chấm dứt đại dịch này… Tất cả mọi người, tất cả mọi nơi phải được tiếp cận với vaccine chống COVID-19, các biện pháp xét nghiệm, điều trị và hỗ trợ” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Theo số liệu do trang our world data công bố vào sáng 14/7, trên thế giới đã có 3,47 tỷ liều vaccine được tiêm, với 29,22 triệu mũi tiêm được thực hiện mỗi ngày.

Tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên phạm vi toàn thế giới đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, mức độ lại không đồng đều, khi mới chỉ có 1% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm ngừa ít nhất một mũi, trong tổng số 25,4% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine trên toàn thế giới.

Theo ông Guterres, những tiến bộ của con người trong phát triển và phân phối vaccine, gồm thông qua cơ chế công bằng toàn cầu, ACT-Accelerator và cơ chế COVAX, đang mang lại hy vọng đẩy lùi đại dịch.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại, đó là mức độ tiếp cận các công cụ này, nhất là vaccine đang “không đồng đều” trong phạm vi thế giới và các quốc gia với nhau. Ông Guterres cảnh báo, khoảng cách tiêm chủng toàn cầu đang đe dọa tất cả chúng ta, bởi khi virus đột biến, nó có thể tăng khả năng lây lan và gây chết người ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Ông Guterres cho rằng, thế giới đang cần tới một Kế hoạch Tiêm chủng toàn cầu, trong đó cần tới đến những nỗ lực nhằm: tăng tối thiểu gấp đôi sản lượng vaccine, đảm bảo phân phối vaccine công bằng qua cơ chế COVAX, phối hợp thực hiện và tài trợ, hỗ trợ các chương trình tiêm chủng quốc gia.

Để hiện thực hóa kế hoạch nói trên, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi thành lập một Lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp, có nhiệm vụ tập hợp các nước sản xuất và có thể sản xuất vaccine, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đối tác trong cơ chế  ACT-Accelerator và các thể chế tài chính quốc tế có thể giao dịch với các công ty dược phẩm và các nhà sản xuất, cùng các bên quan trọng khác có liên quan. 

Về nhiệm vụ trước mắt, ông Guterres cho rằng, điều quan trọng là phải tài trợ đầy đủ cho ACT-Accelerator và thúc đẩy lộ trình đầu tư 50 tỷ USD do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), WHO và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dẫn đầu, nhằm chấm dứt đại dịch và đảm bảo triển vọng phục hồi toàn cầu./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực