Thế giới có hơn 157 triệu ca mắc COVID-19

Thứ bảy, 08/05/2021 08:49
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 8/5/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 157.523.271 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.283.179 ca tử vong và 134.777.686 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 832.809 ca mắc và 13.666 ca tử vong mới vì đại dịch.
leftcenterrightdel

WHO ngày 7/5 đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp. (Ảnh: AP)

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (401.326 ca); Brazil (78.337 ca); Mỹ (47.193 ca); Thổ Nhĩ Kỳ (20.107 ca); Pháp (19.124 ca); … Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (4.194 ca); Brazil (2.217 ca); Mỹ (757 ca); Argentina (609 ca); Colombia (453 ca); Ba Lan (453 ca)….

Tại châu Âu, tính đến nay, châu lục này ghi nhận số người nhiễm COVID-19 với tổng cộng 45.328.285 người, với 1.031.224 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 114.305 ca nhiễm mới và 2.682 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 5.747.214 ca mắc COVID-19 và 106.101 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 19.124 ca nhiễm mới và 235 ca tử vong mới vì dịch bệnh. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm  Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức…

Châu Á đã có tổng cộng 42.989.735 ca nhiễm và 558.211 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 504.187 ca mắc và 4.688 trường hợp tử vong mới.  Riêng tại châu Á, có 36.961.331 ca được điều trị khỏi; 5.470.193 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 33.457 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là tâm chấn mới cả đại dịch COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới khi liên tiếp trong nhiều ngày qua, Ấn Độ ghi nhận với hơn 400.000 ca nhiễm mới và trên 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 401.326 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 4.194 ca tử vong - mức cao nhất thế giới, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 21.886.611 và 238.265 ca.

Hiện một số bang ở Ấn Độ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc lệnh phong tỏa từng phần, trong khi thủ đô New Delhi đang áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 3, có hiệu lực đến ngày 10/5. Tuy nhiên, chính phủ liên bang vẫn loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Iraq, Philippines. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có gần 5 triệu ca nhiễm; Iran có gần 2,7 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19… 

Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 21.385 ca mắc mới và 297 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.575.453 người mắc COVID-19, trong đó 70.154 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khối này có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Indonesia, Philippines và Malaysia.

Hiện, Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN với 1.703.632 ca nhiễm và 46.663 ca tử vong, song tình hình dịch bệnh tại quốc gia này sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực.

Trong 24 giờ qua, Philippines thông báo cũng ghi nhận thêm 7.733 ca mắc và 108 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 1.087.885 ca, trong đó có  18.099 ca tử vong. Nhiều ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất ASEAN. Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan, Philippines ngày 7/5 thông báo biện pháp siết chặt kiểm soát các hành khách nhập cảnh. Chính phủ Philippines nêu rõ thời gian thực hiện cách ly đối với hành khách nhập cảnh nước này sẽ tăng từ 7 ngày lên 14 ngày, trong bối cảnh Philippines nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 65.144 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 38.763.174 ca, tổng số người tử vong là 869.547 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 30.580.977 trường hợp. Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực với 33.416.528 ca nhiễm và 594.893 ca tử vong vì đại dịch. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.358.831 ca nhiễm và 218.173 ca tử vong.

Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 25.720.195 ca nhiễm; 698.748 ca tử vong và 23.3 33.981 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 15.087.360 ca nhiễm, trong đó 419.393 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, French Polynesia và New Zealand là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 7 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.893 ca, trong đó 910 ca tử vong. Các quốc gia French Polynesia và New Zealand lần lượt ghi nhận 14 và 1 ca mắc mới COVID-19.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.657.484 ca mắc COVID-19, trong đó 124.225 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.592.326 trường hợp, trong đó 54.687 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.956 ca mắc mới COVID-19 và 67 ca tử vong vì đại dịch. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm:  Morocco, Tunisia, Ethiopia, Ai Cập, Libya…

Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/5 đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinopharm trong trường hợp khẩn cấp.

Với quyết định này của WHO, vaccine của Sinopharm trở thành vaccine ngừa COVID-19 thứ 6 trên thế giới được WHO phê chuẩn. Đây cũng là lần đầu tiên WHO cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho một loại vaccine do Trung Quốc phát triển và bào chế.

Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO là xác nhận của cơ quan này về tính an toàn và hiệu quả của một loại dược phẩm. Do vậy, vaccine của Sinopharm cũng sẽ được đưa vào chương trình phân phối vaccine toàn cầu COVAX, do WHO điều hành để cung cấp vaccine cho các nước nghèo./.

 

Hoài Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực