Thế giới có hơn 230 triệu ca nhiễm COVID-19

Thứ tư, 22/09/2021 11:45
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 22/9, thế giới ghi nhận 230.274.541 ca nhiễm COVID-19, với 4.721.570 ca tử vong. Sau hơn 2 năm chật vật ứng phó, nhiều nước trên thế giới giờ đang chuyển hướng sang sống chung an toàn với COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới”.
Học sinh đeo khẩu trang khi tới trường học ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/9. (Ảnh: Xinhua) 

Với việc tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến theo hướng tích cực ở nhiều địa phương trong cả nước, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đối với 19 địa phương vào cuối tháng này. Phát biểu tại họp báo ngày 21/9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, số ca mắc mới COVID-19 đang giảm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, chính phủ sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp đối với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hiện nay, trước thời điểm hết hạn vào ngày 30/9.

Ngày 21/9, chính phủ Argentina đã thông báo quyết định lợi lỏng một loạt hạn chế được áp dụng trong nhiều tháng qua để đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời sẽ mở cửa biên giới trở lại kể từ ngày 1/10.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 22/9, hiện 43,5% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 5,98 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 28,9 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp, dù đã được cải thiện song vẫn còn khiêm tốn ở mức 2%.

Trong một nỗ lực nhằm “sống chung an toàn với dịch bệnh”, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 21/9 đã bàn giao robot khử trùng thứ 200 cho bệnh viện Consorci Corporació Sanitària Parc Taulí ở Barcelona (Tây Ban Nha). Các robot do EC tặng giúp vệ sinh phòng bệnh nhân COVID-19 và là một phần trong hành động của EC nhằm giúp các bệnh viện trên khắp Liên minh châu Âu (EU) đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Trong bối cảnh trên, tinh thần đoàn kết nhằm chống lại đại dịch COVID-19 cũng là thông điệp xuyên suốt trong bài phát biểu của lãnh đạo các nước tại phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị là Tổng thống Mỹ tại phiên họp chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi sự hợp tác của các nước trên toàn thế giới nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu cấp bách như đại dịch COVID-19. Ông J.Biden coi đây chính là một thách thức cấp bách không thể giải quyết bằng lực lượng quân sự bởi “bom và đạn không thể chống lại COVID-19 hoặc các biến thể trong tương lai của nó”. Để chống lại đại dịch này, cần có một hành động tập thể một cách khoa học và ý chí chính trị.

Phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp khóa 76 ngày 21/9, Chủ tịch Đại hội Đồng Abdulla Shahid cũng tin tưởng rằng, thế giới sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19 không chỉ bằng khát khao, hy vọng mà bằng tinh thần sẻ chia đầy nhân văn cho dù đại dịch đã khiến cả thế giới sống trong cảnh lo âu suốt hơn một năm rưỡi qua.

Ông Abdulla Shahid nhắc lại, thế giới giờ đây đã có vaccine ngừa COVID-19 bởi biết bao nhà khoa học đã cùng nhau hợp tác ngày đêm để phát triển ra hàng loạt loại vaccine hiệu quả chống chọi với căn bệnh nguy hiểm chết người này. Nhân loại đã có vaccine và điều duy nhất còn thiếu là sự ủng hộ về mặt chính trị và tài chính của một số nước. 

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại bệnh viện Santo Spirito, Rome, Italy, ngày 21/9. (Ảnh: Xinhua)

Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 22/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 206.993.284 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.559.687 ca bệnh đang điều trị thì có 18.461.356 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 98.331 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất. 

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 57.864.446 trường hợp, trong đó có 1.207.310 ca tử vong và 53.005.119 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 118.670 ca mắc mới.

Hiện Bắc Mỹ có 51.928.725 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.053.193 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 43.239.677 ca nhiễm và 696.837 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 22/9, Nam Mỹ có 37.565.476 ca nhiễm COVID-19, với 1.148.100 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.247.667 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 74.455.181 ca nhiễm COVID-19. Trong nhiều ngày qua, khu vực này luôn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tính theo ngày. Trong 24 giờ qua, châu Á có thêm 170.893 ca nhiễm COVID-19, trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tỷ lệ cao nhất với 29.338 ca.

Tính đến sáng 22/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.253.085 trường hợp, trong đó có 207.259 ca tử vong và 7.536.391 ca bình phục.

Sáng 22/9, châu Đại Dương có thêm 2.534 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tới thời điểm hiện tại lên 206.907 trường hợp, với 2.626 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 88.728 ca, tiếp theo sau là Fiji với 49.959 ca./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực