Thế giới có hơn 4.000 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua

Thứ ba, 12/10/2021 08:18
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 12/10/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 238.942.670 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.871.568 ca tử vong và 216.186.074 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 278.788 ca mắc và 4.072 ca tử vong mới vì đại dịch.
Indonesia, điểm nóng dịch bệnh tại ASEAN đang có dấu hiệu hạ nhiệt mấy ngày qua.
(Ảnh: Xinhua) 

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 45.258.845 ca nhiễm COVID-19, trong đó 734.164 ca tử vong vì dịch bệnh.

Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 60.530.487 ca mắc COVID-19, trong đó 1.246.625 ca tử vong. Hết ngày 11/10, châu lục này ghi nhận đã có thêm 128.807 ca nhiễm mới và 2.007 ca tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Anh là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới COVID-19 nhất tại châu lục, với 40.224 ca. Quốc gia này hiện nay cũng đang dẫn đầu châu Âu về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tính đến nay, Anh ghi nhận có 8.193.769 ca nhiễm và 137.763 ca tử vong vì COVID-19. Nga ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ 2 trong khu vực, với 29.409 ca. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Nga lại là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất vì COVID-19 tại châu lục, với 957 ca. Các quốc gia Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức… lần lượt xếp sau Anh và Nga về mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 77.235.108 ca nhiễm và 1.140.258 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 104.799 ca mắc và 1.359 trường hợp tử vong mới.  Riêng tại châu Á có 74.087.590 ca được điều trị khỏi; 2.007.260 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 30.251 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 11/10, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 13.173 ca mắc mới và 177 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 33.984.466 ca và 450.991 ca. Trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất châu lục với 30.563 ca. Tính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận có 7.475.115 ca nhiễm COVID-19 và 66.368 ca tử vong vì dịch bệnh, là quốc gia xếp thứ 2 về mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại châu lục.

Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 54.414.245 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.105.721 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…

Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 38.038.108 ca, trong đó 1.161.156 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 21.582.738 ca nhiễm, trong đó 601.213 ca tử vong vì COVID-19.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 8.465.365 ca nhiễm, trong đó 214.584 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nước này ghi nhận có 2.912.346 ca nhiễm COVID-19, trong đó 88.346 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Ethiopia, Libya, Ai Cập...

Châu Đại dương ghi nhận có 258.636 ca nhiễm COVID-19, trong đó 3.209 ca tử vong vì dịch bệnh. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 4 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia (2.113 ca); Fiji (36 ca); New Caledonia (20 ca) và New Zealand (35 ca).

Tại ASEAN, tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng hơn 12,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó  269.043 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có thêm 30.029 ca mắc COVID-19 và 301 ca tử vong vì dịch bệnh.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, quốc gia này ghi nhận 620 ca mắc mới và chỉ có 65 ca tử vong.

Diễn biến dịch cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 11/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới và tử vong cao thứ hai Đông Nam Á. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có 8.292 ca mắc mới COVID-19, trong đó 36 ca tử vong mới vì dịch bệnh.

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt. Số ca mắc mới và tử vong tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Lào và Việt Nam.

Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, ngày 11/10, nhóm tư vấn vaccine của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị nên tiêm liều vaccine tăng cường (mũi thứ 3) phòng COVID-19 cho những người bị suy giảm miễn dịch, áp dụng với các tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt. 

Trong thông báo mới nhất này, các chuyên gia WHO nêu rõ những người bị suy giảm miễn dịch ở thể trung bình và nghiêm trọng nên được tiêm liều vaccine tăng cường vì cơ thể những người này ít có khả năng sinh kháng thể đầy đủ nếu họ chỉ được tiêm chủng vaccine theo tiêu chuẩn cơ bản (2 mũi) và họ có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 thể nặng. Đây là khuyến cáo mới nhất của các thành viên Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO.

Trước đó, ngày 4/10 vừa qua, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vaccine phòng COVID-19 của hãng  Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhất trí rằng liều tăng cường vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Trong tuyên bố của mình, EMA nêu rõ có thể xem xét tiêm mũi thứ ba này cho người trên 18 tuổi và thời gian tiêm là tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. Với những người bị suy giảm miễn dịch, EMA khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 3 của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech ít nhất 28 ngày sau mũi thứ hai. Tuy nhiên, cơ quan trên cũng khẳng định quyết định cuối cùng liên quan đến mũi tiêm tăng cường phải do cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia đưa ra./.

 

H.Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực