Thế giới đang chệch hướng khỏi các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ ba, 13/07/2021 14:32
(ĐCSVN) – Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trong năm 2020, số người phải đối mặt với nạn đói trên thế giới dao động quanh ngưỡng 720 - 811 triệu người, tăng khoảng hơn 161 triệu so với năm 2019. Thế giới đang “chệch hướng nghiêm trọng” khỏi triển vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Đây là lời cảnh báo do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong bài phát biểu nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh hệ thống lương thực của Liên hợp quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.

COVID - 19 đã tô đậm mối liên hệ giữa bất bình đẳng, nghèo đói, lương thực và bệnh tật

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters) 

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, dù nạn đói có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây, song tới năm 2021 thì “chúng ta đang thất bại trong việc đảm bảo quyền cơ bản cho mọi người trên thế giới”. COVID-19 không chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn mà còn làm nổi bật mối liên hệ giữa bất bình đẳng, nghèo đói, lương thực và bệnh tật.

Mặc dù sản lượng lương thực toàn cầu đã tăng 300% kể từ giữa năm 1960, nhưng theo ông Guterres thì “suy dinh dưỡng vẫn giữ vai trò là yếu tố hàng đầu kéo giảm tuổi thọ của con người”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nạn đói. Trong đó, cuộc chiến của con người với thiên nhiên, bao gồm một hệ thống lương thực tạo ra 1/3 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cũng là nguyên nhân gây ra tới 80% tổn thất đa dạng sinh học.

“Và nghèo đói lại làm phát sinh xung đột” – ông Guterres trăn trở.

Chương trình nghị sự phát triển tới năm 2030 đã thừa nhận sự liên hệ giữa nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời chỉ rõ rằng, những vấn đề này cần được giải quyết cùng với những thách thức toàn cầu khác. Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ, đó là: “Đã đến lúc chúng ta giữ vững lời hứa”.

Ông Guterres nhấn mạnh, việc hàng tỷ người không được tiếp cận với các chế độ ăn uống lành mạnh là một thực tế “không thể chấp nhận được” trong một thế giới sung túc. Trong khi đó, thời gian cũng dần cạn kiệt để chúng ta xoay chuyển tình thế một cách khẩn cấp nhằm giới hạn sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu.

Khẳng định mối liên hệ giữa con người với lương thực

Trẻ em xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại Harare, Zimbabwe. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa con người với lương thực là một phần cơ bản của tất cả các khía cạnh của cuộc sống trên trái đất. Ông Guterres lưu ý, Chương trình nghị sự 2030 là một kế hoạch chi tiết để thế giới phục hồi từ COVID-19, đồng thời nhấn mạnh vai trò của đầu tư để mang lại những thay đổi trong hệ thống lương thực sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi.

“Đây là một trong những đầu tư thông minh và cần thiết nhất mà chúng ta có thể làm được” – ông Guterres nói.

Trong lời phát biểu cùng ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc đã tiết lộ ý định triệu tập một Hội nghị thượng đỉnh tiền trạm ở Rome (Italy) vào cuối tháng này, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh hệ thống lương thực của Liên hợp quốc trong khuôn khổ phiên họp khai mạc của Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.  Mục đích của sự kiện này là tìm kiếm giải pháp chung để giải quyết nạn đói, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, bất bình đẳng và xung đột – vốn được coi là những yếu tố cần thiết để thực hiện quá trình chuyển đổi khẩn cấp các hệ thống lương thực toàn cầu.

Theo ông Guterres: “Chúng tôi đã lắng nghe hàng nghìn tiếng nói trên khắp thế giới, ý tưởng của những người phụ nữ, người dân bản địa và những người trẻ tuổi vốn là tương lai của hệ thống lương thực của chúng tôi… Những ý tưởng của họ về chuyển đổi xanh để thúc đẩy hiệu quả công việc, cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và cài đặt lại mối quan hệ của con người với trái đất. Tất cả sẽ được đưa vào Hội nghị thượng đỉnh”./.

T.L (Theo UN, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực