Thế giới sắp cán mốc 3,4 triệu ca nhiễm, gần 240.000 ca tử vong vì COVID-19

Thứ bảy, 02/05/2020 08:28
(ĐCSVN) – Tính đến 7 giờ sáng ngày 2/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có 3.397.000 ca mắc COVID-19, trong đó 239.394 ca tử vong và 1.079.572 ca phục hồi. Trong 24 giờ qua, đã có 94.152 ca mắc mới và 5.570 ca tử vong vì dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.

LHQ kêu gọi thực hiện giãn nợ và ngừng bắn toàn cầu để ứng phó với COVID-19

Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu (Ảnh: AP).

 

Tình hình dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia từ khắp các châu lục. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì COVID-19. Hiện nước này ghi nhận có 1.129.882 ca nhiễm và 65.724 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng ghi nhận có thêm 34.859 ca mắc mới và 1.868 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, các quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới bao gồm Tây Ban Nha, Italy, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga…

Tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh dịch và đồng thời cũng cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra một lộ trình dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Mặc dù vậy, Anh vẫn ghi nhận thêm 739 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Nước này hiện có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 3 thế giới với gần 27.000 người, chỉ sau Mỹ và Italy. Chính phủ Anh đang phải tìm cách cân bằng áp lực kiểm soát dịch bệnh và khởi động trở lại nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng bị chỉ trích vì sự chậm trễ hơn so với hầu hết các nước châu Âu khác

Tại Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin cũng vừa cho biết ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Thông tin trên được Thủ tướng Mishustin đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Vladimir Putin. Thủ tướng Mishustin cho hay, ông sẽ phải tuân thủ chế độ cách ly và chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ giữ liên lạc thường xuyên với nội các Nga qua điện thoại và video, trong khi chính phủ sẽ tiếp tục làm việc như bình thường

Ngay trong ngày 30/4, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về việc chỉ định Phó Thủ tướng thứ nhất Belousov đảm nhiệm cương vị quyền Thủ tướng Nga. Phát biểu trên truyền hình Nga, Thủ tướng Mishustin đã kêu gọi người dân giữ thái độ hết sức nghiêm túc trước sự lây lan của đại dịch COVID-19. Theo ông Mishustin, cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của mỗi người dân.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hạ viện Pakistan cũng vừa có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tối 30/4, Chủ tịch Hạ viện Pakistan Asad Qaiser đã nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. "Kết quả xét nghiệm của tôi là dương tính với SARS-CoV-2. Tôi đã tự cách ly tại nhà", ông cho biết trên mạng xã hội Twitter.

Ngày 1/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định nước này cần chuẩn bị cho một đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai có thể xảy ra vào tháng 10 và 11 tới, cho dù dịch bệnh nguy hiểm này có thể lây lan chậm hơn trong mùa Hè. Phát biểu trên đài phát thanh, Thủ tướng Orban cũng cho biết sẽ chỉ nới lỏng các quy định hạn chế được áp đặt ở thủ đô Budapest, nơi chiếm tới 80% số ca tử vong do COVID-19 ở nước này, nếu các quan chức đề ra các biện pháp để làm giảm tỉ lệ tử vong tại thủ đô. Tính đến ngày 1/5, quốc gia Trung Âu này ghi nhận 2.863 ca mắc COVID-19 và 323 ca tử vong.

Mexico hiện là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất châu lục. Bộ Y tế Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.425 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 19.224 người, trong đó có 1.859 ca tử vong. Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở quốc gia này là 9,67%, cao nhất tại châu Mỹ. Cơ quan y tế cảnh báo tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này sẽ ở mức cao do trên 70% dân số mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn dẫn đầu khu vực về số ca lây nhiễm. Tính đến nay, nước này đã có 17.101 ca nhiễm COVID-19. Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan hiện đang là điểm nóng về tình hình dịch bệnh tại khu vực khi ghi nhận số ca lây nhiễm lên tới hàng nghìn ca. Indonesia là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca tử vong khi ghi nhận có 800 người đã tử vong vì dịch bệnh.

Việt Nam, Campuchia, Timor Leste và Lào hiện vẫn chưa ghi nhận có ca tử vong nào vì dịch COVID-19 trong khu vực./.

WHO muốn điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 cùng Trung Quốc

Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneve, Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters) 

"WHO mong muốn được hợp tác cùng với các đối tác quốc tế nếu được chính phủ Trung Quốc mời tham gia điều tra về nguồn gốc động vật", Phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevic cho hay.

Ông Tarik Jasarevic cho biết, Tổ chức y tế Liên hợp quốc (LHQ) hiểu rằng một số cuộc điều tra đang được thực hiện tại Trung Quốc “để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của dịch bệnh”, nhưng nói thêm “WHO không tham gia vào các nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc”.

Các nhà khoa học cho rằng, virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã được bày bán tại khu chợ ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc vào cuối tháng 1, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tìm hiểu thêm về cách phản ứng của nước này đối với tình hình dịch bệnh.

Theo ông Tedros, việc này đã tạo tiền đề để một nhóm nhà khoa học quốc tế khác sau đó đến Trung Quốc vào tháng 2 để điều tra tình hình, bao gồm các chuyên gia từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Nga, Singapore và Mỹ.

Các cuộc điều tra đang diễn ra được cho là xem xét "các trường hợp người nhiễm có triệu chứng tại và xung quanh Vũ Hán cuối năm 2019, lấy mẫu môi trường từ các chợ và trang trại ở những khu vực ghi nhận những trường hợp nhiễm đầu tiên cùng hồ sơ chi tiết về xuất xứ và loại động vật hoang dã,  động vật chăn nuôi bày bán ở những khu chợ này", ông Jasarevic cho hay.

Ông Tarik Jasarevic nhấn mạnh rằng các kết quả nghiên cứu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 là “cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus ra  cộng đồng”.

"WHO tiếp tục hợp tác với các chuyên gia y tế, các quốc gia và các đối tác khác để xác định các lỗ hổng và các ưu tiên nghiên cứu để kiểm soát đại dịch COVID-19, bao gồm cả việc xác định nguồn gốc của virus ở Trung Quốc", ông nói.

Thế giới sắp cán mốc 3,4 triệu ca nhiễm và gần 240.000 ca tử vong vì COVID-19

Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu. (Ảnh: AP)

 

 

 

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực