Thế giới sắp chạm ngưỡng 352 triệu ca nhiễm COVID-19

Thứ hai, 24/01/2022 09:20
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 24/1, thế giới ghi nhận 351.914.175 ca nhiễm và 5.614.333 ca tử vong vì COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng những biện pháp linh hoạt để thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 24/1 cho thấy, hiện toàn thế giới có 279.683.155 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 66.616.687 ca bệnh đang điều trị thì có 66.521.037 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 95.650 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

 

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 113.852.955 trường hợp, trong đó có 1.593.098 ca tử vong và 86.392.196 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 1.005.092 và 1.628 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới với số ca mắc mới tăng đều ở nhiều nước thuộc châu lục.

 Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 24/1, hiện 60,5% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 9,87 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 27,92 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 9,5%.

Ngày 23/1, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge dự đoán biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân châu Âu từ nay tới tháng 3. Như vậy, đã bắt đầu một giai đoạn mới của đại dịch COVID-19 trong khu vực và có thể khiến đại dịch gần kết thúc. Tuy nhiên, quan chức WHO cho hay "chúng ta không ở trong 'giai đoạn đặc hữu' để có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra vì virus này đã nhiều lần khiến chúng ta ngạc nhiên". Ông Hans Kluge cho rằng với sự bùng nổ của số ca bệnh, vấn đề hiện nay là “giảm thiểu sự xáo trộn và bảo vệ những người dễ bị tổn thương”, cũng như không còn chỉ tập trung vào việc giảm lây truyền.

Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 24/1 là 84.283.075 trường hợp, trong đó có 1.294.880 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 71.925.931 ca nhiễm và 889.197 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.

Trong một nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan của virus và bảo đảm an toàn cho các trường học, thủ đô Washington D.C của Mỹ đang thắt chặt hơn các quy tắc phòng dịch trong trường học, đồng thời khuyến khích các bậc cha mẹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Cách đây 2 tháng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã bật đèn xanh cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine mRNA hai mũi của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. CDC Mỹ cảnh báo các bậc cha mẹ không nên chủ quan với biến thể Omicron bởi khả năng lây nhiễm cao của nó. Omicron đã “quét” qua hầu hết dân số trưởng thành, hiện tỷ lệ nhiễm biến thể Omicron ở trẻ em cũng đang tăng vọt. 

Tại châu Á, song song với việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiếp tục theo đuổi chủ trương mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trong khu vực cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 94.883.934 trường hợp, với 1.279.585 ca tử vong và 87.664.381 ca điều trị khỏi.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 305.171 ca, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia châu Á tính tới thời điểm hiện tại lên 39.542.435 trường hợp. Trong bản tin mới nhất được công bố ngày 23/1, Cơ quan nghiên cứu giải trình tự gene của Ấn Độ thông báo biến thể Omicron hiện đã đến giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng ở Ấn Độ và là biến thể chính ở nhiều thành phố lớn, nơi có số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh. Cũng theo cơ quan này, dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron đã được ghi nhận ở nhiều nơi trên cả nước. 

Còn tại châu Phi, tính đến sáng 24/1, tổng số ca nhiễm ghi nhận tại khu vực này là 10.749.941 trường hợp, trong đó có 236.819 ca tử vong và 9.531.407 ca bình phục. Trong tổng số 981.175 ca đang điều trị thì có 2.829 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.581.359 ca nhiễm COVID-19 và 94.117 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 48.932 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 48.742 ca. Hiện khu vực này có tổng số 2.373.740 trường hợp ca mắc COVID-19, với 5.463 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 2.373.740 ca, tiếp theo sau là Fiji với 60.931 ca./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực