Thế giới tuần qua: APEC, G20 đẩy mạnh hợp tác

Chủ nhật, 22/11/2020 09:33
(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua (16 – 22/11) diễn ra một số sự kiện đáng chú ý: Thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040; Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến; Danh sách nhân sự cấp cao mới của Nhà Trắng dần hé lộ; Tỷ lệ đói nghèo toàn cầu tăng 8,8% trong năm nay; Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 58 triệu,…

Thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040

Là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 27 đã diễn ra trực tuyến vào tối ngày 20/11/2020 (giờ Việt Nam), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin.

 Tuần lễ Cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 27 đã diễn ra trực tuyến (Ảnh:M.H)

Trước những tác động và thiệt hại nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với thế giới và khu vực, các nhà Lãnh đạo APEC bày tỏ chia sẻ sâu sắc với những mất mát của người dân và tri ân những lực lượng đã và đang ở tuyến đầu chống dịch. Các nhà Lãnh đạo nhất trí với đánh giá của Tổng giám đốc IMF cho rằng kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn suy thoái nặng nề, đại dịch đã làm đảo ngược những thành tựu của thế giới về xoá đói giảm nghèo trong ba thập kỷ qua và gia tăng bất bình đẳng.

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu của khu vực trong triển khai các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở được thông qua từ năm 1994, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Tầm nhìn mới của hợp tác khu vực. Theo đó, Tầm nhìn đến năm 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Tầm nhìn APEC 2040 sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế kỹ thuật,… cùng với các động lực mới về đổi mới, sáng tạo, quá trình số hóa và chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 27 đã thành công tốt đẹp với việc thông qua Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC tới năm 2040 và Tuyên bố chung Kuala Lumpur năm 2020, đánh dấu việc hoàn thành thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng về thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC và xây dựng định hướng hợp tác của APEC trong giai đoạn phát triển mới, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tháng 11/2017 tại thành phố Đà Nẵng.

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến

Tối 21/11 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã khai mạc theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Quốc vương Salman của Saudi Arabia.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: TTXVN

Trong hai ngày họp, các nhà lãnh đạo G20 tập trung thảo luận việc sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác để có thể ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng sẽ thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững. Chống biến đổi khí hậu cũng là một trong những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của cuộc họp này.

Các nhà lãnh đạo G20 họp trực tuyến khi các nỗ lực quốc tế đang được thúc đẩy nhằm triển khai vaccine tiềm năng chống đại dịch COVID-19 trên quy mô lớn sau khi đạt được đột phá trong các cuộc thử nghiệm, và khi những hối thúc đang ngày càng mạnh mẽ hơn đối với những quốc gia G20 về việc bổ sung 4,5 tỷ USD đang bị thiếu hụt trong chương trình hợp tác toàn cầu mang tên "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch COVID-19" (ACT-Accelerator).

Hội nghị thượng đỉnh G20 vốn thường được xem là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới tương tác trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, giữa đại dịch COVID-19, sự kiện quan trọng này lại được rút gọn thành các phiên họp trực tuyến thời lượng ngắn, mà một số nhà quan sát gọi là "ngoại giao kỹ thuật số". Do không thể chụp "bức ảnh gia đình" theo như truyền thống, nên tại buổi dạ tiệc, nước chủ nhà sẽ chiếu một bức ảnh tập thể của các nhà lãnh đạo G20 cỡ lớn, phủ lên những di tích lịch sử tại thị trấn danh thắng Diriyah ở gần thủ đô Riyadh.

Danh sách nhân sự cấp cao mới của Nhà Trắng dần hé lộ

Ngày 20/11, nhóm chuyển giao của ông Joe Biden, người được truyền thông tuyên bố đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đã công bố các thành viên mới trong đội ngũ nhân viên cấp cao Nhà Trắng. Phần lớn những nhân vật được ông Biden lựa chọn này đều từng là những người đã phục vụ trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Thành phần đội ngũ này cũng hết sức đa dạng, trong đó có nhiều phụ nữ và người da màu.

 Ông Joe Biden - người được truyền thông Mỹ công bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, bà Louisa Terrell, trợ lý đặc biệt về các vấn đề lập pháp dưới thời cựu Tổng thống Obama, được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng Lập pháp của Nhà Trắng. Ngoài ra, trong danh sách có tên bà Cathy Russell, được chỉ định giữ chức Giám đốc Văn phòng Nhân sự Tổng thống của Nhà Trắng. Trong khi đó, bà Mala Adiga, từng là Phó Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các chương trình học thuật tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Obama, dự kiến sẽ làm việc với tư cách là Giám đốc chính sách của bà Jill Biden - phu nhân của ông Biden. Bà Adiga cũng là cố vấn chính sách cấp cao về chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Biden. Ngoài ra, ông Carlos Elizondo, người từng làm Thư ký xã hội cho ông Biden trong chính quyền của cựu tổng thống Obama, được dự kiến tiếp tục đảm nhiệm cương vị này.

Liên quan đến kết quả bầu cử, ngày 20/11, Thống đốc và Tổng Thư ký bang Georgia đã chính thức chứng nhận kết quả chiến thắng của ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trước đối thủ là đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua.

Sau khi bang Georgia đã chính thức chứng nhận chiến thắng của ông J.Biden, chiến dịch của ông D.Trump vẫn có thể yêu cầu kiểm phiếu lại tại Georgia do luật của bang cho phép nếu tỷ lệ chênh lệch thấp hơn 0,5%. Tuy nhiên, bất cứ cuộc kiểm phiếu lại nào trong tương lai ở Georgia đều được dự đoán khó thay đổi kết quả.

Tỷ lệ đói nghèo toàn cầu tăng 8,8% trong năm nay

Theo dự báo mới nhất vừa được Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố, cuộc khủng hoảng kinh tế do virus corona mới gây ra có thể là cuộc khủng hoảng kinh hoàng nhất trong những thập kỷ gần đây, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu dự kiến giảm 4,3% vào năm 2020.

Báo cáo của UNCTAD dự đoán mức phục hồi toàn cầu là 4,1% vào năm 2021. Nhưng từ nay tới đó, tỷ lệ nghèo cùng cực trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào năm 2020, làm nổi bật những hậu quả trầm trọng hơn của đại dịch COVID-19 đối với việc giảm nghèo.

 Trong một trung tâm điều trị tại một bệnh viện ở Sana'a, một bác sĩ đo cánh tay của cậu bé 12 tuổi người Yemen Ali Mohammed Ahmed Jamal, bị suy dinh dưỡng. (Ảnh: UN)

Lần đầu tiên trong hơn 20 năm, tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu đã tăng lên kể từ những con số đáng báo động được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Theo UNCTAD, tỷ lệ nghèo đói toàn cầu là 35,9% vào năm 1990. Năm 2018, tỷ lệ này giảm xuống 8,6%, nhưng đã lên tới 8,8% trong năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2021.

Trong số các nước đang phát triển, tác động dự kiến sẽ nghiêm trọng ở châu Phi và các nước kém phát triển nhất. Lục địa châu Phi chiếm khoảng 13% dân số thế giới, nhưng dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa tỷ lệ đói nghèo cùng cực trên toàn cầu vào năm 2020. Các nước kém phát triển nhất, nhiều trong số đó ở châu Phi, chiếm khoảng 14% dân số thế giới và dự kiến sẽ chiếm 53% nghèo cùng cực trên toàn cầu vào năm 2020.

Ngoài ra, sự chênh lệch do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra đang rất rõ ràng. Việc sản xuất và phân phối vắc-xin "có thể sẽ làm giảm khả năng vốn đã rất hạn chế" của hầu hết các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước kém phát triển nhất, để ứng phó với cuộc khủng hoảng này.

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 58 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng ngày 22/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 58.459.947 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.385.641 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 40.437.827 người. Hiện vẫn còn 102.246 bệnh nhân COVID-19 đang ở tình trạng bệnh nặng và nguy kịch.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 58 triệu (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 với 261.746 ca tử vong trong tổng số 12.435.303 ca mắc. Đứng sau Mỹ trong danh sách các nước chịu tổn thất nhất về người là Brazil với 168.989 ca tử vong trong số 6.052.786 ca mắc COVID-19. Ấn Độ có 133.260 ca tử vong trong 9.095.543 ca mắc. Mexico có 100.823 ca tử vong trong 1.025.969 ca mắc, và Anh có 54.626 ca tử vong trong 1.493.383 ca mắc. Tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới hiện là Bỉ với 132 ca tử vong trên 100.000 dân, tiếp theo là Peru 108 ca, Tây Ban Nha 91 và Argentina với 81 ca.

Hiện các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới đang nỗ lực phát triển các vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng với các cuộc thử nghiệm một số loại vaccine có sự tham gia của hàng vạn người./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực