Thế giới tuần qua: Chiến thắng không thể đảo ngược của ông Joe Biden

Chủ nhật, 20/12/2020 14:54
(ĐCSVN) – Tuần qua (14-20/12), bên cạnh những vấn đề nóng liên quan đến dịch COVID-19, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện đáng chú ý.

Thế giới tuần qua: Căng thẳng đan xen

Số người mắc COVID-19 vượt mốc 76,5 triệu

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 20/12 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 76.547.744 ca, trong đó 1.690.161 ca tử vong và 53.625.547 ca đã được chữa khỏi.

 Số người mắc COVID-19  trên thế giới đã vượt mốc 76,5 triệu (Ảnh: EPA)

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 554.975 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, với 150.480 ca nhiễm mới và 1.803 ca tử vong trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 18.038.833 ca và 322.648 ca.

Liên quan đến tình hình vaccine, Liên minh Vaccine cho mọi người (People’s Vaccines Alliance) – một khuôn khổ hợp tác gồm nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế, vừa đưa ra cảnh báo có tới 90% người dân ở hàng chục quốc gia nghèo có thể không được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 do các nước giàu đang dự trữ một lượng vaccine lớn hơn nhiều so với nhu cầu. Theo liên minh này, mặc dù chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu, các nước giàu hiện đã mua tới 53% tổng số vaccine tiềm năng nhất, đẩy hơn 70 quốc gia thu nhập thấp và trung bình đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) Munir Akram cho rằng, việc phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 chính là một “phép thử axit” đối với cộng đồng quốc tế. Qua đó, người đứng đầu ECOSOC nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác và đoàn kết toàn cầu trong đẩy lùi dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghenreyesus cũng khẳng định, cách duy nhất để khôi phục sau đại dịch là bảo đảm các quốc gia nghèo hơn được tiếp cận vaccine một cách công bằng.

Chiến thắng không thể đảo ngược của ông Joe Biden

Ngày 14/12 (giờ Mỹ), 538 đại cử tri Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu nhằm chính thức hóa kết quả cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua. Theo đó, ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Joe Biden chính thức trở thành tân Tổng thống thứ 46 của Mỹ.

 Ông Joe Biden chính thức trở thành tân Tổng thống thứ 46 của Mỹ (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri tại 24 bang, trong đó có nhiều bang chiến địa quan trọng gây tranh cãi như Michigan, Pennsylvania, Georgia và Wisconsin, trong khi đó Tổng thống Trump giành được 232 phiếu đại cử tri. Chiến thắng của ông Joe Biden được coi là dấu chấm hết cho các nỗ lực pháp lý của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nhằm đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua.

Kết quả này sẽ được gửi tới Quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6/1 tới để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành tổng thống mới của nước Mỹ. 

Bên cạnh đó, việc Tòa án Tối cao Mỹ trước đó đã bác bỏ vụ kiện do Tổng lý trưởng bang Texas dẫn đầu với sự tham gia của 17 tổng chưởng lý các bang và 126 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đòi hủy bỏ hàng triệu phiếu bầu ở 4 tiểu bang dao động Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, đồng nghĩa vụ việc đã kết thúc và ông Joe Biden cùng liên danh tranh cử Kamala Harris có thể “danh chính ngôn thuận” bước vào Nhà Trắng từ ngày 20/1/2021.

Tổng thống Nga tổ chức họp báo thường niên năm 2020

Ngày 17/12, tại buổi họp báo thường niên năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo lớn thường niên năm 2020, trong đó đưa ra những quan điểm rõ ràng, thẳng thắn về nhiều vấn đề quốc tế. Năm nay, do đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cuộc họp báo thường niên của Tổng thống V. Putin được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ dinh thự của ông ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva. Một số điểm cầu truyền hình được thiết lập ở Thủ đô Moskva và một số thành phố để phóng viên tới dự và đặt câu hỏi.

 Tổng thống Nga tổ chức họp báo thường niên năm 2020 (Ảnh:AFP/TTXVN)

Trong quan hệ Nga-Mỹ, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, người có kinh nghiệm trong cả chính sách đối nội và đối ngoại, sẽ giúp giải quyết một số khó khăn trong quan hệ giữa Moskva và Washington. Ông cũng tái khẳng định tin tặc Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 để giúp ông Donald Trump giành chiến thắng. 

Về quan hệ Nga-Trung Quốc, Tổng thống Putin cho rằng mối quan hệ giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "thiết thực và tin cậy". Theo ông, Nga và Trung Quốc có chung mối quan tâm về rất nhiều vấn đề.

Cuộc họp báo năm nay kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ, trong đó Tổng thống V. Putin đã trả lời hàng loạt các câu hỏi từ các phóng viên báo chí xoay quanh các vấn đề mà họ quan tâm. Ngoài ra, cuộc họp báo Tổng thống năm nay không chỉ dành riêng cho giới báo chí, mà người dân Nga cũng có thể gửi câu hỏi cho Tổng thống thông qua website “moskva-putin.ru”.

Theo giới quan sát, các câu hỏi được gửi đến ông V. Putin xoay quanh các vấn đề nóng liên quan đến đại dịch COVID-19, quá trình tiêm chủng vaccine đang diễn ra tại Nga và tình hình kinh tế, xã hội Nga trong năm qua.

Cuôc họp báo thường niên của Tổng thống V. Putin luôn là sự kiện lớn, được đông đảo người dân Nga và giới phóng viên nước ngoài quan tâm, theo dõi. Cuộc họp báo cuối năm của Tổng thống Nga được tổ chức thường niên từ năm 2001. Năm nay, có tổng số 774 nhà báo đăng ký tham gia cuộc họp, trong đó có 237 phóng viên hoạt động tại Trung tâm Thương mại Quốc tế tại Thủ đô Moskva.

Australia đưa tranh chấp thương mại với Trung Quốc ra WTO

Ngày 16/12, Australia thông báo sẽ đưa vụ Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với lúa mạch nhập khẩu của nước này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, Australia đã yêu cầu WTO điều tra các mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm lúa mạch của quốc gia châu Đại dương này. Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, xuất khẩu khoảng 1,5-2 tỷ AUD (800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Australia.

 Australia đưa tranh chấp thương mại với Trung Quốc ra WTO (Ảnh minh họa: Reuters)

Quan hệ thương mại gữa Australia và Trung Quốc gặp nhiều trở ngại trong năm nay mà mở màn bằng việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên tới 80,5% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Tiếp sau quyết định này, Trung Quốc đưa ra hàng loạt rào cản thương mại chính thức và không chính thức với nhiều hàng hóa Australia như thịt bò, thịt cừu, bông vải, tôm hùm, gỗ, rượu vang, than đá…

Ước tính xuất khẩu nông sản của Australia đã bị thiệt hại 3,5 tỷ AUD (2,45 tỷ USD) trong năm nay do căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và tình trạng đóng cửa biên giới trên toàn cầu để ngăn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Anh-EU nỗ lực đàm phán hậu Brexit

Ngày 16/12, tại Brussels, đàm phán giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tiến bộ về nội dung giám sát cạnh tranh công bằng, một trong 3 vấn đề gây tranh cãi đang cản trở việc hai bên đạt được thỏa thuận hậu Brexit. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các điều khoản về đánh bắt cá.

 Anh-EU nỗ lực đàm phán hậu Brexit (Ảnh minh họa: Reuters)

Khi gia hạn thời gian cho các nhà đàm phán của mình, cả Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cam kết sẽ “cố gắng hết sức” nhằm đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit để ngăn chặn sự hỗn loạn thương mại xuyên biên giới khi bước sang năm mới.

Hiện nhiều quốc gia châu Âu kêu gọi hai bên tiếp tục đàm phán. Thủ tướng Đức Merkel cho biết, mọi cơ hội để đạt được thỏa thuận đều được hoan nghênh. Ông Micheal Martin, Thủ tướng Ireland, nước có nền kinh tế gắn bó với Anh hơn bất kỳ quốc gia EU nào khác cho rằng, ngay cả khi vào lúc 23 giờ ngày 31/12, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu vẫn có khả năng ký kết một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên.

Theo giới quan sát, trong trường hợp nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận thương mại vào thời hạn chót, một kịch bản có thể xảy ra là vào ngày 1/1 năm tới, EU và Anh có thể sẽ áp dụng một thỏa thuận tạm thời nhằm tạo điều kiện để hàng hóa không bị ùn tắc tại biên giới sau ngày 31/12./.

 

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực