Thế giới tuần qua: Đại dịch vẫn chưa hạ nhiệt

Chủ nhật, 30/05/2021 08:59
(ĐCSVN) – Làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 tiếp tục hoành hành ở châu Á; EU phê chuẩn vaccine Pfizer cho trẻ 12 - 15 tuổi; Mỹ khẳng định không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga; Tín hiệu tích cực từ đàm phán hạt nhân Iran; Nỗ lực tái thiết Gaza,… là một số sự kiện đáng chú ý của thế giới trong tuần qua (24-30/5).

Châu Á vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp tại châu Á. Với số ca mắc COVID-19 hơn 50,8 triệu ca, châu Á ở thành khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì đại dịch COVID-19. Trong khi số ca nhiễm mới ở Ấn Độ có dấu hiệu chậm lại, thì làn sóng lây nhiễm mới lại tiếp tục lây lan mạnh mẽ ở nhiều quốc gia.

Tại Ấn Độ, mặc dù số ca nhiễm mới giảm xuống ở mức dưới 200 nghìn ca/ ngày nhưng đây vẫn là con số rất cao. Ngày 29/5, Ấn Độ ghi nhận 174.041 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 27.893.472 ca. Mỗi ngày, nước này ghi nhận hàng nghìn ca tử vong vì COVID-19. Ngày 29/5, nước này có thêm 3.614 ca, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch là 325.998 ca.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em ở Malaysia (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia ngày 29/5 xác nhận có thêm 9.020 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 558.534 ca. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Malaysia quyết định thực thi lệnh phong tỏa toàn diện giai đoạn 1 từ ngày 1-14/6.

Philippines ngày 29/5 cũng ghi nhận 7.443 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca ở nước này lên 1.216.582 ca. Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc mới tại nước này tiếp tục ở mức 500 ca/ngày trong 2 ngày liên tiếp, trong bối cảnh giới chức y tế nỗ lực kiểm soát các ổ dịch và sự lây lan của các biến thể mới. Theo KDCA, nước này đã ghi nhận 533 ca mắc mới, trong đó có 505 ca lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Bắc Á này lên 139.431 ca.

Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh, các quốc gia châu Á đều tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Tính đến sáng 30/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là 170.589.686 ca, trong đó 3.547.303 ca đã tử vong.

EU phê chuẩn vaccine Pfizer cho trẻ 12 - 15 tuổi

Ngày 28/5, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đã phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi.

 Canada là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 Pfizer cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi. Ảnh: AFP 

EMA cho biết, vaccine COVID-19 của Pfizer "được dung nạp tốt" với thanh thiếu niên và không có "lo ngại lớn" nào về các tác dụng phụ. Quyết định trên được cho là sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà tại châu Âu. Đức cho biết sẽ bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ngay từ tháng 6 tới. Trước đó, Mỹ và Canada đã cho phép tiêm vaccine của Pfizer cho thanh thiếu niên.

Người đứng đầu EMA Emer Cooke cho biết, các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vaccine của Pfizer "có khả năng bảo vệ cao" đối với trẻ em. Không em nào trong số hơn 1.000 em được tiêm vaccine trong thử nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, 16 em trong số 978 em được tiêm giả dược trong thử nghiệm đã mắc COVID-19.

Ủy viên châu Âu về y tế, bà Stella Kyriakides, đánh giá, đây là "bước tiến gần hơn tới việc chấm dứt đại dịch", nhưng cho biết, mọi người vẫn có quyền lựa chọn có cho con cái mình đi tiêm hay không. Bà cho biết: "Sau quyết định của các chính phủ, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về những bậc phụ huynh có con trong độ tuổi trên".

Về phần mình, CEO của Pfizer, ông Albert Bourla cho biết, việc cho thanh thiếu niên tiêm vaccine "sẽ giúp các trường học được mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường hàng ngày".

Mỹ khẳng định không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở với Nga

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/5 khẳng định sẽ không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở, mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi.

 Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Nga. Ảnh:  Reuters.

Hiệp ước Bầu trời Mở nhằm mục đích tăng cường lòng tin giữa các nước thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh bằng cách cho phép hai cường quốc và các đồng minh của họ giám sát không phận của nhau, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump đã rời bỏ hiệp ước vào tháng 11/2020 với lý do "Nga vi phạm thỏa thuận".

Tổng thống Joe Biden cũng đã loại trừ khả năng quay trở lại hiệp ước trên trong bối cảnh hai nước chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh vào ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Trước đó, cũng trong ngày 28/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moskva thất vọng về việc Mỹ quyết định không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở. Theo ông Ryabkov, quyết định của Mỹ sẽ không tạo được bầu không khí có lợi cho các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.

   Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Tuy nhiên, cả Moskva và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. 

 Tháng 5/2020, Mỹ đã khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước và đã hoàn tất ngày 22/11/2020. Tháng 1/2021, Moskva cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi hiệp ước, viện dẫn lý do "thiếu tiến bộ" trong việc duy trì hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này.

Tín hiệu tích cực từ đàm phán hạt nhân Iran

Ngày 24/5, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran đã nhất trí gia hạn thỏa thuận giám sát các hoạt động hạt nhân của Tehran thêm 1 tháng, sau khi thỏa thuận kéo dài 3 tháng này đã hết hiệu lực vào ngày 22/5.

 Các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, Iran. Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ có các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua đạo luật chấm dứt quyền thanh sát của IAEA kể từ ngày 21/2/2021, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, hai bên sau đó đã đạt thỏa thuận tạm thời về việc nối lại các cuộc thanh sát của IAEA kể từ ngày 23/2.

Trước đó, ngày 19/5, các nhà đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran cho biết một thỏa thuận "đang được định hình" để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran.

Các nhà ngoại giao cấp cao của Anh, Pháp và Đức cho biết: "Cả về khía cạnh hạt nhân và khía cạnh các lệnh trừng phạt, chúng tôi đang bắt đầu nhìn thấy đường nét của cái gọi là thỏa thuận cuối cùng trông như thế nào. Tuy nhiên, thành công vẫn chưa được bảo đảm. Vẫn còn những vấn đề rất khó khăn phía trước. Chúng tôi không được phép đánh giá thấp những thách thức đặt ra phía trước".

Trong khi đó, Iran cũng thông báo quá trình đàm phán đang diễn ra đúng lộ trình. Hãng thông tấn chính thức của Iran (IRNA) dẫn lời Tổng thống Rouhani cho biết Iran đã “đạt được những bước tiến vĩ đại” trong quá trình đàm phán những ngày qua.

Kể từ đầu tháng 4 vừa qua, các phái viên của Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Iran đã tổ chức nhiều vòng đàm phán ở Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và đưa Mỹ trở lại tuân thủ thỏa thuận. Các bên đã thành lập nhiều nhóm làm việc cấp chuyên gia có nhiệm vụ làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng nhất đồng thời thảo ra các giải pháp cho vấn đề hạt nhân này.

Nỗ lực tái thiết Gaza

Sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas có hiệu lực vào ngày 21/5 sau 11 ngày giao tranh căng thẳng, cuộc sống ở Dải Gaza đang bình yên trở lại. Một số tuyến đường chính đã được mở lại và nhà chức trách đang nỗ lực sửa chữa các đường dây điện, mạng lưới cung cấp nước và xử lý nước thải bị hư hại.

 Dải Gaza hứng chịu thiệt hại nặng nề sau giao tranh giữa Israel và lực lượng Hamas. Ảnh: Reuters

Một số nước đã đưa ra tuyên bố hỗ trợ tài chính cho việc tái thiết Dải Gaza. Ai Cập và Quatar mỗi nước đã cam kết hỗ trợ 500 triệu USD, trong khi Liên hợp quốc đã giải ngân 18,5 triệu USD cho viện trợ nhân đạo tại khu vực này. Tuy nhiên, Hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza gặp nhiều khó khăn do các cửa khẩu bị đóng.

Xung đột giữa Israel và Palestine leo thang từ ngày 10/5 vừa qua, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Theo cơ quan y tế Gaza, 254 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 66 trẻ em và hơn 1.900 người bị thương. Về phía Israel, 12 người đã thiệt mạng, trong đó có một trẻ em, và khoảng 357 người bị thương trong cuộc xung đột này. Các cuộc không kích của Israel cũng phá hủy nhiều tòa nhà, cơ sở hạ tầng ở Gaza, làm ít nhất 6.000 người mất nhà ở. Ước tính hiện có tới 800.000 người không có nước sạch tại Gaza./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực