Thế giới tuần qua: Dịch bệnh và thiên tai

Chủ nhật, 01/08/2021 11:01
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức khó lường bởi biến thể Delta tiếp tục lây lan nhanh chóng, đặt thế giới trước nguy cơ mất đi những thành quả chống dịch, tuần qua, nhiều quốc gia châu Á đã phải đối mặt với "thảm họa kép" khi các trận bão lũ lịch sử càn quét qua khu vực, gây ra những tổn thất nặng nề về tính mạng và tài sản.

WHO: Biến thể Delta đe dọa những thành tựu chống dịch của thế giới

Mưa bão hoành hành ở Ấn Độ và Trung Quốc

Afghanistan: Lũ quét khiến 40 người thiệt mạng và 150 người mất tích

Mỹ tuyên bố kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Iraq

FED tiếp tục duy trì lãi suất thấp

Biến thể Delta tiếp tục đe dọa thành tựu chống dịch của thế giới

leftcenterrightdel
Biến thể Delta được WHO đánh giá là dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể COVID-19 hiện nay. (Ảnh: iStockPhoto)

Hơn 1 năm sau dịch COVID-19 bùng phát, các nước vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với sự gia tăng của hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Đáng lo ngại là sự lây lan nguy hiểm của biến thể Delta.

Kể từ khi được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, tới nay, biến thể Delta đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là dễ lây nhiễm nhất trong số các biến thể COVID-19 hiện nay. Biến thể đã có mặt tại 132 quốc gia và vùng lãnh thổ, có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và là biến thể đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt.

WHO ngày 30/7 cảnh báo, thế giới có nguy cơ mất đi những thành quả chống COVID-19 khi biến thể Delta lây lan. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin, lây nhiễm COVID-19 đã tăng 80% trong 4 tuần qua ở hầu khắp các khu vực trên thế giới.

Cùng ngày, một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, công bố cho thấy, biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Với kết quả này, giới chức y tế liên bang Mỹ điều chỉnh khuyến nghị rằng những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn nên đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín. Theo các chuyên gia, vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, nếu một người đã tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh thì nguy cơ họ lây cho người khác vẫn cao như ở những người chưa được tiêm vaccine. Trong tuần qua, số ca nhiễm biến thể Delta chiếm ít nhất 92% số ca mắc mới tại Mỹ.

Mới đây, trong một nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Nature, nhóm chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã lý giải, những người nhiễm phải biến thể này có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, khiến nó rất dễ lây lan. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng cho hay theo ước tính hiện tại, biến thể Delta có tốc độ lây truyền cao gấp 2 lần so với chủng SARS-CoV-2 gốc. Đồng thời, khả năng sinh sôi cũng vượt trội, thể hiện qua việc virus này hiện diện rõ rệt trong cơ thể bệnh nhân chỉ từ ngày thứ 4 sau khi nhiễm bệnh, so với mức trung bình là 6 ngày ở chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Bà Sharon Peacock, Tổng Giám đốc Hiệp hội Cog-UK nói: "Nguy cơ lớn nhất đối với thế giới lúc này chính là biến thể Delta. Biến thể Alpha đã từng càn quét thế giới và bây giờ Delta còn trội hơn thế. Đó là vấn đề đối với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vì biến thể này rất dễ lây truyền bởi có thể tránh một phần phản ứng miễn dịch".

Hiện nay, biến thể Delta khiến nhiều nơi ở châu Á và châu Phi đều ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục, trong đó có cả những quốc gia trước đó từng kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh.

 Mưa lũ hoành hành tại nhiều quốc gia châu Á

leftcenterrightdel
Hình ảnh mưa lũ gây ngập lụt ở bang Maharashtra, Ấn Độ. (Ảnh: AFP) 

Ấn Độ, Trung Quốc và Afghanistan là các quốc gia châu Á đã phải đối mặt với tình hình mưa bão nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và của trong tuần qua.

Tại Ấn Độ, ngày 26/7, lực lượng cứu hộ đã phải lội qua lớp bùn dày để tiếp cận những người bị thương và bắt đầu chiến dịch dọn dẹp sau những ngày mưa lớn gây lở đất và lũ lụt làm ít nhất 159 người thiệt mạng. Khu vực bờ biển phía Tây của Ấn Độ trong những ngày qua đã phải hứng chịu mưa bão nghiêm trọng, khiến khoảng 250.000 người phải đi sơ tán và 3 bang bị cắt điện tại các khu vực rộng lớn. Trong số các bang của Ấn Độ, Maharashtra là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này với ít nhất 149 người thiệt mạng. Thủ hiến bang Maharashtra Uddhav Thackeray mô tả những gì đã xảy ra ở Satara là "không thể tưởng tượng nổi". 

Trong khi đó, khu vực miền đông Trung Quốc đã được đặt trong trạng thái báo động cao nhất khi bão In-Fa đổ bộ lần 2 vào sáng 26/7. Trước đó, cơn bão có đường đi phức tạp này đã đổ bộ lần một vào tỉnh Chiết Giang trưa 25/7. Cơn bão đã mang theo những trận mưa như trút nước, gió lớn và lũ lụt. Cơ quan chỉ huy phòng chống lũ lụt của tỉnh Chiết Giang đã nâng mức đối phó khẩn cấp với bão In-Fa lên mức cao nhất. Trung tâm Khí tượng quốc gia của Trung Quốc dự báo tỉnh Chiết Giang, thành phố Thượng Hải, tỉnh Giang Tô cùng nhiều khu vực ở miền Đông Trung Quốc sẽ hứng mưa và gió mạnh. Để đảm bảo an toàn, ít nhất 1,65 triệu dân ở Chiết Giang đã được sơ tán.

Cơn bão In-Fa đổ bộ trong bối cảnh tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vẫn đang vật lộn với trận lũ lụt nặng nề, làm ít nhất 69 người thiệt mạng, hàng triệu người phải đi sơ tán, hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập. Đây được coi là trận lũ lụt “nghìn năm mới có một lần” ở địa phương này, với sức tàn phá nghiêm trọng về người và của.

Tại Afghanistan, trận lũ quét nghiêm trọng tàn phá khu vực Đông Bắc thủ đô Kabul, Afghanistan tuần qua đã khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và 150 người mất tích. Theo các quan chức địa phương, chiến dịch cứu hộ đang được triển khai nhằm tìm kiếm những người mất tích sau khi mưa xối xả làm ngập nhiều điểm tại huyện Kamdesh ở tỉnh Nuristan, cách thủ đô Kabul khoảng 200km về phía Đông Bắc. Mưa lũ và lũ quét hàng năm gây ra những tổn thất nặng nề về người và của tại quốc gia Nam Á này. Năm ngoái, hàng chục người đã thiệt mạng sau khi lũ quét qua khu vực ven biển của tỉnh Parwan.

Mỹ tuyên bố kết thúc sứ mệnh chiến đấu ở Iraq

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi

Ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã ký một thỏa thuận chính thức kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq vào cuối năm 2021 sau hơn 18 năm Mỹ triển khai quân đội tại quốc gia Trung Đông này.

Với việc rút các lực lượng cuối cùng ở Afghanistan vào cuối tháng 8, Tổng thống Joe Biden sẽ chấm dứt trong vài tháng tới hai cuộc xung đột bên ngoài dài nhất trong lịch sử của nước Mỹ bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush sau các cuộc tấn công ngày 11/9/2001.

Phát biểu trước cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng Iraq al-Kadhimi tại Nhà Trắng trong khuôn khổ đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Iraq, Tổng thống Joe Biden thông báo quan hệ hai nước đang bước vào một giai đoạn mới, bao gồm việc Mỹ sẽ chấm dứt tham gia vào các hoạt động chiến đấu tại Iraq.

Đây là cuộc gặp thứ hai trong số ba cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo Trung Đông của Tổng thống Joe Biden, sau cuộc gặp với Quốc vương Abdullah của Jordan, và trước cuộc gặp tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Điều này cho thấy cả Mỹ và Iraq đều coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược và thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.

Hiện có 2.500 binh sĩ Mỹ ở Iraq, vốn chủ yếu được điều tới để tham gia vào cuộc chiến chống lại các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhiệm vụ của họ sẽ bị giới hạn trong tương lai là huấn luyện binh sĩ Iraq.

Tuyên bố chấm dứt nhiệm vụ chiến đấu của Mỹ tại Iraq được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang trong giai đoạn cuối cùng kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan.

Giao tranh mới lại nổ ra giữa Armenia - Azerbaijan

leftcenterrightdel
Cuộc giao tranh mới nhất giữa Armenia - Azerbaijan khiến 3 binh sĩ thiệt mạng. (Ảnh: breakinglatest.news) 

Bộ Quốc phòng Armenia ngày 28/7 thông báo 3 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong vụ đọ súng với các lực lượng Azerbaijan. Bộ Quốc phòng Armenia cho biết lực lượng Azerbaijan tấn công các vị trí của Armenia gần biên giới giữa 2 nước. Ngoài 3 binh sĩ thiệt mạng, 2 binh sĩ  khác của Armenia cũng bị thương trong cuộc giao tranh trên và giao tranh vẫn tiếp diễn.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc lực lượng Armenia “khiêu khích” tại huyện Kalbajar và cho biết quân đội nước này sẽ tiếp tục đáp trả.

Hãng tin Interfax của Nga sau đó đưa tin Azerbaijan đã chấp nhận đề nghị của Nga để thực hiện lệnh ngừng bắn trong khu vực này. Đây là một trong những vụ giao tranh đẫu máu nhất kể từ cuộc chiến 6 tuần xảy ra cuối năm ngoái giữa Armenia và  Azerbaijan liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh và các vùng lân cận kết thúc năm ngoái 2020. 

Trong 6 tuần giao tranh từ tháng 9 đến tháng 11/2020, các binh sĩ Azerbaijan đã đẩy lui các lực lượng Armenia khỏi nhiều vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát kể từ những năm 1990 và quanh khu vực Nagorno-Karabakh. Sau đó, hai bên đã đạt thỏa thuận ngừng bắn nhờ sự trung gian của Nga. Tuy nhiên, các cuộc xung đột lẻ tẻ vẫn diễn ra trong những tháng gần đây.

Hàn Quốc - Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc qua biên giới

leftcenterrightdel
Hàn Quốc và Triều Tiên mở lại đường dây liên lạc qua biên giới sau 13 tháng. (Ảnh: Reuters) 

Ngày 28/7, bà Lee Jong-joo, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo, Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại các đường dây liên lạc trực tiếp. Bà Lee Jong-joo bày tỏ hy vọng quan hệ liên Triều sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng xác nhận Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thống nhất tiến tới khôi phục niềm tin hai bên và thúc đẩy hoà giải bằng cách khôi phục đường dây liên lạc liên Triều.

Một ngày sau khi Bình Nhưỡng khôi phục đường dây liên lạc liên Triều sau 13 tháng tạm ngừng, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này và Triều Tiên đã gọi điện thoại liên lạc hàng ngày. 

Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng hoan nghênh động thái  mới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh thông báo việc Triều Tiên và Hàn Quốc mở lại các kênh liên lạc.

Bà Jalina Porter, phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh việc mở lại các đường dây liên lạc trực tiếp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa hai miền. Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Porter khẳng định: "Ngoại giao và đối thoại là điều cần thiết để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên".

Hồi tháng 6 năm ngoái, Triều Tiên đã cắt tất cả các kênh liên lạc với Hàn Quốc để phản đối điều mà nước này cho rằng Seoul đã không ngăn cản hành động rải truyền đơn qua biên giới tuyên truyền chống phá Bình Nhưỡng. Triều Tiên cho biết việc khôi phục đường dây nóng sẽ đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện quan hệ liên Triều. 

FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất

leftcenterrightdel
Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: Reuters)  

Kết thúc cuộc họp chính sách 2 ngày (27-28/7), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED thông báo giữ nguyên lãi suất trong phạm vi mục tiêu từ 0 - 0,25% đồng thời tiếp tục chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất về 0 - 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ. 

Tuy nhiên, FOMC cũng cho rằng, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch đã cho thấy sự cải thiện nhưng chưa phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó, FED đang phải đối mặt với nỗi lo lạm phát ngày càng tăng, khi giá tiêu dùng ở mức cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Chủ tịch FED Jerome Powell lưu ý, lạm phát đã tăng cao hơn mục tiêu 2% của FED, chủ yếu là do các yếu tố tạm thời, bao gồm sự ách tắc của nguồn cung. Tuy nhiên, Chủ tịch của FED tái khẳng định tin tưởng rằng mặc dù lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong một số tháng nhưng cuối cùng sẽ chững lại và Ngân hàng Trung ương sẽ sẵn sàng hành động nếu cần thiết. Ông Powell cho biết: “Nếu kỳ vọng lạm phát tăng lên, chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình để hướng lạm phát xuống mức 2%".

Nhận định trên của người đứng đầu FED được đưa ra sau khi FOMC thừa nhận nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tiến triển bất chấp những lo ngại về sự lây lan của đại dịch COVID-19./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực