Thế giới tuần qua: Những dấu mốc quan trọng

Chủ nhật, 20/11/2022 14:32
(ĐCSVN) – Tuần qua (14 – 20/11), ngoài dấu mốc quan trọng khi dân số thế giới chạm ngưỡng 8 tỷ người, cộng đồng quốc tế cũng chứng kiến nỗ lực thu hẹp bất đồng, đạt được đồng thuận với những kết quả tích cực của Hội nghị Cấp cao G20, Hội nghị thượng đỉnh APEC; bên cạnh đó là kết quả sơ bộ dần ngã ngũ của cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ hay thông tin liên quan tới vụ việc tên lửa rơi ở Ba Lan…

Dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Các em nhỏ tại tỉnh Hà Giang, Việt Nam. (Ảnh: Khánh Linh) 

Ngày 15/11/2022 đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của xã hội loài người khi dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người. Công dân thứ 8 tỷ trên thế giới là một bé gái người Philippines chào đời lúc 1h29 (theo giờ địa phương) tại Bệnh viện Tưởng niệm Bác sỹ Jose Fabella, Bệnh viện Phụ sản quốc gia ở thủ đô Manila. Bé gái được đặt tên là Vinice Mabansag.

Dấu mốc 8 tỷ người đạt được 12 năm sau khi dân số toàn cầu chạm ngưỡng 7 tỷ, đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Liên hợp quốc khẳng định rằng bằng cách bảo vệ các quyền lợi và lựa chọn của tất cả mọi người, với cột mốc dân số 8 tỷ người, loài người đang nắm giữ chìa khóa giải phóng những tiềm năng không giới hạn của mỗi một cá nhân trên toàn thế giới để cùng giải quyết các thách thức và những vấn đề toàn cầu đang cản trở nhân loại.

Theo Quỹ Dân số thế giới của Liên hợp quốc (UNFPA), dân số 8 tỷ là nguồn lực to lớn để cùng thực hiện những mục tiêu đã đề ra về phát triển con người, bởi đây là nguồn lao động dồi dào và quý báu.

Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với quy mô nguồn nhân lực lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội, tạo ra lực lượng lao động đông đảo, đủ mạnh để thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội phát triển, để mỗi quốc gia thực hiện các mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đặc biệt, thời kỳ "dân số vàng" (dân số có khả năng lao động chiếm tỷ lệ cao) là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển bền vững, bởi nguồn lao động dồi dào sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng dân số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Việt Nam cũng đang trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động (khoảng 65 triệu người).

Theo ước tính, đến giai đoạn 2034 – 2039, con số này sẽ lên đến cực đại, với khoảng 72 triệu người, và đây là dư lợi lớn của dân số vàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cột mốc 8 tỷ người cũng là thước đo phản ánh sự phát triển của xã hội loài người.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định dân số thế giới cán mốc 8 tỷ chính là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học công nghệ, cải tiến về dinh dưỡng, y tế cộng đồng và vệ sinh môi trường.

Cùng chung nhận định về dấu mốc dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người vào năm nay, Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sĩ Natalia Kanem cho rằng: Đây là một câu chuyện thành công, không phải là một kịch bản về ngày tận thế. Thế giới của chúng ta, bất chấp tất cả những thách thức, là một thế giới mà tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Thế giới đã đạt những bước tiến lớn trong nỗ lực giảm nghèo và những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dân số thế giới tăng chứng tỏ rằng một phần tuổi thọ tăng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ giảm.

Tuy là một dấu mốc phát triển của loài người nhưng theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, con số 8 tỷ người cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của nhân loại trong việc quan tâm đến hành tinh. Bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như việc bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hội nghị cấp cao G20 với các cam kết quan trọng

 Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra trong hai ngày 15 – 16/11 tại Bali, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra trong hai ngày 15 – 16/11 tại Bali (Indonesia), nỗ lực đạt được các cam kết mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đối phó các thách thức lớn toàn cầu.

Đây là sự kiện quy tụ nhiều lãnh đạo các nước dự trực tiếp sau khi dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu vào đầu năm 2020. Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới đều đang phải đương đầu những khó khăn, chứng kiến lạm phát không ngừng gia tăng và nguy cơ suy thoái ngày càng cận kề. Trong khi đó, xung đột ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Tuyên bố chung thượng đỉnh G20 đề cập bao quát nhiều lĩnh vực: Kinh tế, an ninh, lương thực, khí hậu… G20 nhận định nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với “những cuộc khủng hoảng đa chiều chưa từng có”, từ cuộc chiến ở Ukraine đến lạm phát tăng, buộc nhiều nước phải siết chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, các lãnh đạo G20 đồng ý thận trọng với tốc độ tăng lãi suất để tránh tác động lan tỏa. Các nước cũng sẽ lưu ý đến lo ngại của các nền kinh tế mới nổi về nguy cơ dòng vốn khổng lồ chảy ra ngoài nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. G20 cũng kêu gọi tăng hỗ trợ “tạm thời và có mục tiêu” cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, Tuyên bố nhấn mạnh có một số quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình và các biện pháp trừng phạt, nhưng hầu hết các nước thành viên lên án mạnh mẽ cuộc xung đột tại Ukraine, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và làm trầm trọng thêm những vấn đề yếu kém của nền kinh tế toàn cầu. Tuyên bố khẳng định, luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được, đồng thời hoan nghênh sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen.

Tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về những thách thức an ninh lương thực, ngày càng trầm trọng hơn do căng thẳng và xung đột gần đây. Các nước G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để chống đói nghèo, đặc biệt ở những nước đang phát triển. G20 cũng kêu gọi sự chuyển dịch nhanh chóng hướng tới nền nông nghiệp, hệ thống lương thực và chuỗi cung ứng bền vững.

G20 hoan nghênh việc ký kết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hợp quốc về thúc đẩy các sản phẩm lương thực, phân bón của Nga ra thị trường thế giới, việc phân bố không gián đoạn các sản phẩm lương thực.

Về khí hậu, các nhà lãnh đạo cũng đồng ý theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, đẩy nhanh nỗ lực giảm dần việc sử dụng than. Các nước nhấn mạnh cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 hay trung hòa carbon vào khoảng giữa thế kỷ, nhấn mạnh khẩn cấp chuyển đổi, đa dạng hóa hệ thống năng lượng, thúc đẩy an ninh năng lượng, kêu gọi sự ủng hộ đối với các nước phát triển và đang phát triển trong việc tiếp cận năng lượng.

Đáng chú ý, trước Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp song phương lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Cuộc gặp kéo dài 3 giờ đã cho thấy những khác biệt lớn song cả Mỹ và Trung Quốc đều nhất trí duy trì liên lạc cởi mở và tránh đối đầu. Giới chuyên gia nhận định dù không mang lại kết quả hữu hình, song nhìn chung đây là một cuộc gặp tích cực trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai siêu cường giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử hồi đầu năm nay. 

Hội nghị thượng đỉnh APEC ra Tuyên bố chung phục hồi kinh tế

 Toàn cảnh phiên họp thứ hai - Tuần lễ Cấp cao APEC 2022. (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 diễn ra trong hai ngày 18 – 19/11 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) do Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chủ trì với chủ đề “Mở-Kết nối-Cân bằng”. Sau hai năm diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC có cơ hội gặp gỡ trực tiếp tại thủ đô Bangkok để cùng thảo luận và thống nhất các giải pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư, phục hồi tăng trưởng và tăng trưởng bao trùm.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện. Các nhà lãnh đạo nhất trí cần có cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, cân bằng hơn để vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế của quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư, bảo đảm lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội và các nền kinh tế.

Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Các Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG). Đây là tài liệu định hướng quan trọng cho việc triển khai chương trình nghị sự của APEC về phát triển bền vững và bao trùm với 4 nội dung chính: i) Đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu trong ứng phó toàn diện với các thách thức về môi trường; ii) Thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, bảo đảm các chính sách thương mại và đầu tư có tác động tương hỗ đối với các chính sách môi trường; iii) Bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; iv) Quản lý rác thải bền vững và hiệu quả tài nguyên hướng tới rác thải bằng 0.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo APEC đã giao các bộ trưởng khẩn trương triển khai một cách toàn diện các nội dung hợp tác trên cả 3 trụ cột hợp tác, trong đó đặc biệt chú trọng một số điểm sau:

Về thương mại và đầu tư bền vững: bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, bao trùm và dễ dự đoán; mở cửa thị trường, tạo một sân chơi công bằng thông qua cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thúc đẩy các hiệp định khu vực toàn diện và chất lượng cao; gia tăng tỷ trọng dịch vụ của APEC trong thương mại dịch vụ toàn cầu.

Về kết nối toàn diện khu vực: tạo thuận lợi cho đi lại thông suốt và an toàn qua biên giới sau đại dịch COVID-19; tăng cường kết nối về cơ sở hạ tầng, thể chế, giao lưu nhân dân và kết nối số, chú trọng cả kết nối tiểu vùng, vùng sâu, vùng xa thông qua đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch bền vững, bao trùm; củng cố và phát triển các chuỗi cung ứng mở, an toàn và tự cường, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng và tiếp tục các nỗ lực xoá bỏ các rào cản đối với các dịch vụ liên quan đến hậu cần.

Về chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm: đẩy nhanh thực hiện lộ trình kinh tế số/kinh tế Internet để tận dụng các công nghệ, đổi mới sáng tạo và thu hẹp khoảng cách số trong mỗi nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực dài hạn; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 30 tại Mỹ vào năm 2023.

Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đã có kết quả sơ bộ

 Phòng họp của Hạ viện tại Điện Capitol ở Washington, DC. (Ảnh: AP)

Ngày 8/11, cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 quyết định việc đảng nào chiếm đa số trong lưỡng viện Quốc hội. Năm nay, cử tri Mỹ bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ nghị sĩ liên bang với nhiệm kỳ 2 năm; 35 trong tổng số 100 ghế thượng nghị sĩ liên bang nhiệm kỳ 6 năm. Ngoài ra, các cử tri cũng bầu chọn 36 ghế thống đốc bang, 30 ghế tổng chưởng lý và 27 ghế tổng thư ký bang, hàng nghìn nghị sĩ cấp bang và quan chức địa phương.

Theo CNN, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được cho là thời điểm để đảng đối lập tỏa sáng. Điều này càng tăng khả năng xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay khi lạm phát đang ảnh hưởng mạnh đến đời sống người dân và phần lớn người Mỹ cho rằng nước này đang đi sai hướng.

Theo kết quả kiểm phiếu tại Thượng viện công bố ngày 13/11, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden đã thành công trong duy trì quyền kiểm soát tại Thượng viện.    

Sau đó, đến sáng 16/11 (theo giờ Việt Nam), Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng nới rộng khoảng cách với đảng Dân chủ và giành đủ 218/435 ghế, ngưỡng đa số tối thiểu, để nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Việc đảng Cộng hoà giành được Hạ viện, sẽ khiến chính phủ Mỹ đối mặt 2 năm chia rẽ trong chính trường khi đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden vẫn giữ được Thượng viện. Trong bối cảnh chia rẽ lưỡng đảng ở Mỹ hiện nay, quyền kiểm soát Hạ viện sẽ là đòn bẩy để đảng Cộng hòa gây ra nhiều cản trở với các sáng kiến lập pháp trong hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Ở động thái liên quan, ngày 17/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố sẽ từ chức sau gần 20 năm lãnh đạo Đảng Dân chủ và sau hậu quả của vụ tấn công tàn bạo nhằm vào chồng bà, ông Paul, vào tháng trước tại nhà riêng của cặp đôi ở San Francisco.

Các nhà phân tích cho rằng việc đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, nhưng lại mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay phe Cộng hòa, cán cân quyền lực tại Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay sẽ thúc đẩy nhiều động lực hơn cho cả hai đảng, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục triển khai các chính sách kiềm chế lạm phát, phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Ngoài ra, việc kiểm soát Hạ viện sẽ giúp đảng Cộng hòa có thêm quyền lực để thúc đẩy, triển khai các chính sách quan trọng của Mỹ về cả đối nội và đối ngoại nhằm hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.

Và khi cục diện bầu cử giữa nhiệm kỳ đã ngã ngũ, thì sự chú ý dường như đang đổ dồn sang cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024. Cựu Tổng thống Donald Trump là người đầu tiên đưa ra tuyên bố tranh cử hôm 15/11 sau khi nộp hồ sơ cho Ủy ban Bầu cử Liên bang. Việc ông Trump tuyên bố tái tranh cử là rất sớm so với thường lệ khi mà các chiến dịch tranh cử ở Mỹ thường kéo dài, được cho là nhằm ngăn chặn một số ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa ra tranh cử bao gồm: Thống đốc Florida, ông Ron DeSantis và cựu “phó tướng” của ông Trump, Mike Pence.

Tên lửa rơi ở Ba Lan: Nga, Ukraine đều phủ nhận có liên quan

 Hiện trường vụ rơi tên lửa ở Ba Lan ngày 15/11 khiến 2 người thiệt mạng. (Ảnh: RIA NOVOSTI)

Một tên lửa do Nga sản xuất đã rơi xuống làng Przewodow ở miền Đông Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng 6km vào 15h40 ngày 15/11, khiến hai người thiệt mạng. Trước lo ngại cuộc xung đột tại Kiev có thể lan ra quốc gia thứ 3, Tổ chức các Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định họp khẩn.

Ngày 16/11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời đài CNN rằng hiện ông vẫn chưa có thông tin gì về vụ việc này.

Bộ Quốc phòng Nga lên tiếng phủ nhận và khẳng định quân đội nước này không thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào mục tiêu tại khu vực gần biên giới Ukraine - Ba Lan. Bộ này cũng cho biết việc các thông tin được lan truyền trên các phương tiện truyền thông Ba Lan là hành động khiêu khích có chủ ý nhằm làm leo thang tình hình.

Về phía Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba cũng khẳng định vụ nổ ở Ba Lan không phải do tên lửa của nước này gây ra.

Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết vụ nổ ở Przewodow là “hành động đơn lẻ” và không có bằng chứng cho thấy sẽ xảy ra các vụ tấn công bằng tên lửa tiếp theo.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định vẫn chưa xác định được tên lửa này là của nước nào. Warsaw vẫn đang thực hiện các công tác điều tra, xử lý các bằng chứng để đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo phát ngôn viên Chính phủ Ba Lan Piotr Muller, nước này quyết định tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị quân sự trên lãnh thổ Ba Lan.

Ba Lan là một thành viên của liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các quốc gia thành viên NATO đang theo dõi tình hình và tham khảo ý kiến với Ba Lan.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình liên quan đến Ukraine, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, ông Vasily Nebenzya tuyên bố tình huống rơi tên lửa ở biên giới Ba Lan là hành động khiêu khích, kích động xung đột Nga-NATO./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực