Thế giới tuần qua: Những tín hiệu tích cực

Chủ nhật, 20/09/2020 08:56
(ĐCSVN) – Bên cạnh tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) vẫn đang diễn biến phức tạp, thế giới tuần qua (14 – 20/7) cũng ghi nhận một loạt các tín hiệu tích cực: Nhật Bản có tân Thủ tướng, Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain, hay thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều sẽ được thực thi bất chấp những trở ngại…

Ông Suga Yoshihide chính thức trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản

Đại hội đồng Liên hợp quốc bế mạc Khóa 74, khai mạc Khóa 75

FED cam kết giữ nguyên mức lãi suất hiện nay

Ông Suga Yoshihide chính thức trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản

 Ông Yoshihide Suga chính thức trở thành Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo News) 

Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn ông Suga Yoshihide – Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền làm Thủ tướng thứ 99 của nước này. Theo đó, ông Suga, 71 tuổi, một chính trị gia kỳ cựu của Nhật Bản đã chính thức trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Abe Shinzo, người vừa thông báo từ chức vào tháng trước vì lý do sức khỏe.

Trước khi được bổ nhiệm vào cương vị mới, ông Suga đã từng có 8 năm làm “cánh tay phải” cho người tiền nhiệm Abe Shinzo dưới vai trò Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản. Phương châm của tân Thủ tướng Nhật Bản là tiếp tục thúc đẩy các chính sách của người tiền nhiệm Abe Shinzo trong đối phó với đại dịch COVID-19 và chấn hưng nền kinh tế Nhật Bản. Bên cạnh đó, một số biện pháp về cải cách hành chính và cải cách luật lệ cũng trở thành ưu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản.

Trước đó, ngày 14/9, ông Suga Yoshihide Suga, đã được bầu làm Chủ tịch đảng LDP. Trong phiên bỏ phiếu của các nhà lập pháp LDP diễn ra ở cả hai viện của Quốc hội Nhật Bản cùng ngày, với 377 phiếu ủng hộ, ông Suga đã giành chiến thắng áp đảo trước hai đối thủ là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida – với lần lượt 68 và 89 phiếu ủng hộ.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo khẳng định sẽ ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga với tư cách một nghị sĩ. Ông Abe đồng thời kêu gọi người dân ủng hộ người kế nhiệm và Nội các mới của ông Suga. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với nội các của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đứng ở mức cao là 66,4%, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ 16,2%. 

Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain

 Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì lễ ký kết Hiệp định bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel – UAE và Bahrain tại Nhà Trắng. (Ảnh: AP)

Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết Hiệp định bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel – Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Vương quốc Bahrain tại Nhà Trắng, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa các bên.

Lễ ký Hiệp định Abraham diễn ra giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu; Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan trước sự chứng kiến của hơn 200 quan khách.

Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Tổng thống Trump ca ngợi đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai, mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng. Ông Trump khẳng định: “Chúng ta ở đây để thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đánh dấu một bình minh của một Trung Đông mới”.

Các thỏa thuận mang tên Hiệp định Abraham là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Theo đó, Israel đã nhất trí đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà nước này đang thảo luận về việc sáp nhập.

Sau các thỏa thuận trên, Tổng thống Trump tuyên bố có thêm khoảng 5 hoặc 6 quốc gia Arab sẵn sàng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, phù hợp với những thỏa thuận then chốt mới đây giữa nhà nước Do Thái với UAE và Bahrain.

Thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều sẽ được thực hiện bất chấp những trở ngại

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trái và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự một buổi biểu diễn thể dục dụng cụ ở Bình Nhưỡng vào ngày 19/9/2018. (Ảnh: Yonhap)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 19/9 nhấn mạnh cam kết thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều ký kết ở Bình Nhưỡng giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được thực hiện bất chấp những trở ngại ở trong và ngoài nước.

Thông điệp trên được ông Moon Jae-in đưa ra nhân kỷ niệm 2 năm ký kết thỏa thuận này. Trong thông điệp đăng trên mạng xã hội Facebook, Tổng thống Hàn Quốc nhớ lại bài phát biểu lịch sử của mình trước 150.000 người dân Bình Nhưỡng 2 năm trước. Ông viết: “Cùng với Chủ tịch Kim Jong-un, tôi đã tuyên bố phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên". Ông nhắc lại 2 bên đã đạt được thỏa thuận "cụ thể và thiết thực" trong lĩnh vực quân sự, dẫn đến việc phi quân sự hóa làng đình chiến Panmunjom và khai quật hài cốt binh sỹ tử trận trên đồi Mũi tên, chiến trường quan trọng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Ông lưu ý: "Kể từ khi ký kết không có vụ đụng độ vũ trang nào giữa hai bên. Đây là tiến bộ rất có giá trị, điều sẽ không thể xảy ra nếu không có mong muốn của những người dân khát khao hòa bình và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Nhưng chiếc "đồng hồ" hòa bình đã ngừng chạy, thỏa thuận thượng đỉnh không được thực hiện nhanh chóng do không thoát khỏi những hạn chế bên trong và bên ngoài." Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Cam kết của chúng tôi đối với hòa bình là vững chắc. Thỏa thuận hai miền ngày 19/9 sẽ được thực hiện thành công. Hạt giống đã được gieo vào lịch sử chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái...".

LHQ kêu gọi toàn thế giới ngừng bắn để ứng phó đại dịch

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: minurso.unmissions.org) 

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 17/9 cảnh báo đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng nguy cơ đối với hòa bình ở khắp mọi nơi, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trên toàn thế giới để tập trung ứng phó với dịch bệnh.

Phát biểu tại lễ rung chuông hòa bình nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Quốc tế vì Hòa bình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết người dân trong các cuộc xung đột đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tại các vùng chiến sự, đại dịch đang hoành hành và gây ra các loại bất công, đẩy các cộng đồng và các quốc gia tới sự đối đầu lẫn nhau. Do đó, thế giới cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để tập trung vào kẻ thù chung, đó là dịch bệnh.

Ông Antonio Guterres kêu gọi các nỗ lực để thúc đẩy hòa bình, đồng thời cho biết sẽ lặp lại lời kêu gọi này tại Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ vào tuần tới. Trước đó, ngày 16/9, ông Antonio Guterres cũng đã kêu gọi thế giới tăng cường nỗ lực hơn nữa để giải quyết những nguy cơ của thế giới đang ngày càng bộc lộ rõ hơn trong đại dịch COVID-19.

Theo ông Antonio Guterres, trước khi xảy ra đại dịch, thế giới đã đi rất xa trong các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững song lại bị mất đà trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.  Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh cần phải thực hiện quá trình phục hồi xanh vì việc hỗ trợ phát triển các loại nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã khiến thế giới với mắc kẹt trong tình trạng ô nhiễm trong hàng thập kỷ qua. Bên cạnh đó, phục hồi phải đi đôi với thúc đẩy bình đẳng giới và đòi hỏi hợp tác đa phương hiệu quả.

Khai mạc khóa 75 Đại Hội đồng Liên hợp quốc

Chủ tịch ĐHĐ LHQ Khóa 75 Volkan Bozkir phát biểu khai mạc   

Sáng 16/9 (giờ Việt Nam), Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã họp phiên bế mạc khóa 74 và khai mạc ĐHĐ khóa 75.  Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký (TTK) LHQ António Guterres nhấn mạnh ĐHĐ khóa 74 được tổ chức trong bối cảnh thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19 và đây là điều chưa xảy ra trong tiền lệ của LHQ.

Mặc dù vậy, trong hơn 7 tháng qua, ĐHĐ LHQ đã thông qua hơn 70 nghị quyết và quyết định quan trọng, trong đó có nghị quyết “Ứng phó toàn diện và phối hợp với đại dịch COVID-19” được nhiều nước quan tâm và ủng hộ. Chủ tịch ĐHĐ Khóa 74 Tijjani Muhammad-Bande cảm ơn sự hỗ trợ của các nước trong suốt một năm qua, thúc đẩy ĐHĐ LHQ vượt qua khó khăn, giải quyết các vấn đề quốc tế. 

Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 75 Volkan Bozkir nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống đa phương và sự hợp tác quốc tế. Ông cho biết sẽ tập trung thúc đẩy hệ thống đa phương hoạt động hiệu quả, xây dựng lòng tin và sự đồng thuận giữa các thành viên của ĐHĐ. Ông cho biết sẽ quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, tăng cường hoạt động viện trợ nhân đạo ở các khu vực xung đột, trao quyền cho phụ nữ… Ông cũng cam kết nỗ lực phát huy vai trò của ĐHĐ LHQ trong hợp tác với các nước, các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế. 

Trước thềm Tuần lễ cấp cao ĐHĐ LHQ khoá 75, Chủ tịch Volkan Bozkir cam kết thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tổ chức Hội nghị Kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ; Phiên thảo luận chung của ĐHĐ LHQ khoá 75; Hội nghị Thượng đỉnh về đa dạng sinh học; Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới về phụ nữ lần thứ 4; và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm và thúc đẩy Ngày Quốc tế về loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Trong khóa 75, ông Volkan Bozkir cũng sẽ dành ưu tiên trong việc tổ chức hai phiên họp đặc biệt về đại dịch COVID-19 và chống tham nhũng. ĐHĐ LHQ khóa 75 chính thức hoạt động từ ngày 15/9/2020 đến ngày 15/9/2021.

FED cam kết giữ nguyên lãi suất

Chủ tịch FED Jerome Powell tại cuộc họp chính sách. (Ảnh: Getty Images) 

Ngày 16/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo duy trì mức lãi suất từ 0% - 0,25%, đồng thời cam kết duy trì phạm vi mục tiêu này cho đến khi thị trường lao động được cải thiện, đồng thời lạm phát tăng lên mức 2% và có thể vượt ngưỡng 2% ở mức vừa phải trong một khoảng thời gian.

Quyết định trên được đưa ra sau khi FED cho biết, hoạt động kinh tế và việc làm đã tăng lên trong những tháng gần đây, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với đầu năm. Tuyên bố của FED cho thấy sự phục hồi kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đang diễn ra sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới, gây ra những nguy cơ lớn đối với triển vọng kinh tế trong trung hạn.

Đây là lần công bố chính sách tiền lệ đầu tiên của FED kể từ tháng 7. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nhắc lại khả năng cần phải có thêm nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa từ FED để hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế Mỹ và cắt giảm lãi suất trong khoảng thời gian kéo dài hơn so với dự kiến.

Cũng trong ngày 17/9, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở thời điểm hiện tại, nhưng cảnh báo triển vọng kinh tế nước này vẫn “luôn duy trì ở trạng thái bất ổn”. Theo đó, tất cả các quan chức thuộc Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) đã quyết định bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục 0,1%, sau 2 lần ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất từ mức 0,75% kể từ đầu đại dịch COVID-19./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực