Thương mại thế giới phục hồi nhẹ nhưng vẫn ảm đạm

Thứ năm, 22/10/2020 22:16
(ĐCSVN) – Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo thương mại thế giới sẽ giảm 7 – 9% trong năm 2020, bất chấp các dấu hiệu phục hồi trong quý III.
leftcenterrightdel
 Thương mại vật tư y tế COVID-19 đã tăng trung bình hơn 50% kể từ tháng 4/2020 .(Ảnh: UN)

Trong Bản cập nhật thương mại toàn cầu hằng quý, UNCTAD ước tính rằng thương mại thế giới sẽ thấp hơn khoảng 5% trong quý III năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 - một sự cải thiện so với mức giảm 19% được ghi nhận trong quý II năm nay.

Theo dự báo sơ bộ, tăng trưởng trong quý IV năm 2020 dự kiến sẽ thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng con số này vẫn chưa chắc chắn do lo ngại về diễn biến của đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đến hoạt động kinh tế trong những tháng tới.

Báo cáo nhấn mạnh sự phục hồi đáng kể các trao đổi thương mại của Trung Quốc. Theo đó, xuất khẩu của nước này, sau khi giảm trong những tháng đầu tiên của đại dịch, đã ổn định trở lại trong quý II năm 2020 và phục hồi mạnh mẽ trong quý III, với tốc độ tăng trưởng gần 10%. Không giống như các nền kinh tế lớn khác, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc ổn định trong tháng 7 và tháng 8 và tăng 13% trong tháng 9 vừa qua.

Trong số các xu hướng thương mại lớn khác, có thể thấy rằng xuất khẩu của các nước đang phát triển có hoạt động tốt hơn so với các nước phát triển. Tăng trưởng xuất khẩu hằng năm của các nền kinh tế đang phát triển cải thiện từ -18% trong quý II lên -6% trong tháng 7, trong khi của các nước phát triển tăng từ -22% lên -14%.

Ngoài ra, không có khu vực nào tránh khỏi sự sụt giảm thương mại quốc tế trong quý II năm 2020, nhưng sự sụt giảm rõ rệt nhất được ghi nhận ở các khu vực Tây và Nam Á, nơi nhập khẩu giảm 35% và xuất khẩu giảm 41%. Trong tháng 7 vừa qua, sự sụt giảm thương mại vẫn đáng kể ở hầu hết các khu vực, ngoại trừ Đông Á.

Ngoài ra, giá trị thương mại quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và ô tô vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức của năm 2019. Ngược lại, nhu cầu về thiết bị văn phòng và gia đình, cũng như thiết bị bảo vệ cá nhân đã khiến thương mại tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực thiết bị thông tin liên lạc, máy móc văn phòng và hàng dệt may.

Kinh doanh vật tư y tế COVID-19

Báo cáo đặc biệt chú ý đến các nguồn cung cấp y tế chống lại COVID-19, bao gồm thiết bị bảo hộ cá nhân, chất khử trùng, bộ dụng cụ chẩn đoán, mặt nạ thở oxy và các thiết bị bệnh viện liên quan khác.

Do đó, kinh doanh vật tư y tế chống lại COVID-19 đã tăng trung bình hơn 50% kể từ tháng 4/2020, nhưng sự gia tăng thương mại này chủ yếu mang lại lợi ích cho cư dân của các quốc gia giàu có nhất.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, mỗi người dân của các nước thu nhập cao đã được hưởng lợi trung bình thêm 10 USD mỗi tháng khi nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến COVID-19, so với chỉ 1 USD của những người sống ở các nước có thu nhập trung bình và chỉ 0,10 USD cho những người ở các nước thu nhập thấp.

Nhìn chung, nhập khẩu bình quân đầu người của các sản phẩm y tế thiết yếu để giảm thiểu đại dịch đã cao hơn khoảng 100 lần đối với các nước thu nhập cao so với các nước thu nhập thấp.

UNCTAD chỉ ra rằng sự khác biệt trong khả năng tiếp cận với vaccine chống lại COVID-19 của người dân ở các nước giàu và nghèo thậm chí có thể rõ ràng hơn so với nguồn cung cấp y tế.

Trong khi một số quốc gia thu nhập thấp có khả năng sản xuất một số thiết bị bảo hộ trong nước, thì điều này có thể không đúng với vaccine, vốn đòi hỏi năng lực sản xuất và hậu cần lớn hơn./.

Khánh Linh (Theo UN, UNCTAD)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực