Thụy Điển và Phần Lan thông báo kế hoạch gia nhập NATO

Thứ hai, 16/05/2022 14:00
(ĐCSVN) – Ngày 15/5, Phần Lan và Thụy Điển thông báo kế hoạch chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc gia nhập liên minh quân sự gồm 30 quốc gia thành viên được coi là bước đi mang tính lịch sử bởi sẽ chấm dứt tình trạng trung lập mà hai nước Bắc Âu duy trì trong suốt Chiến tranh Lạnh.
 Ngoại trưởng Phần Lan, Thụy Điển và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại một sự kiện ngày 24/1/2022 (Ảnh: AFP).

Trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, Tổng thống nước này Sauli Niinisto đã thông báo về kế hoạch của Helsinki nhằm nộp đơn gia nhập NATO.  Nhà lãnh đạo Phần Lan giải thêm rằng, việc trở thành thành viên của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh sẽ "tối đa hóa" an ninh của Phần Lan sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Về phía bà Marin mô tả việc Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO là một “quyết định quan trọng” dựa trên một “nhiệm vụ mạnh mẽ”. “Chúng tôi hy vọng rằng Quốc hội sẽ phê chuẩn quyết định xin gia nhập NATO trong những ngày tới” - bà nói thêm.

Thủ tướng Phần Lan cho biết Helsinki đã liên hệ chặt chẽ với NATO và các thành viên khối về quyết định này. Tuần trước, bà Marin và ông Niinisto đã nhấn mạnh quan điểm rằng Phần Lan nên nộp đơn gia nhập NATO “ngay lập tức”.

Ngay sau thông báo của Phần Lan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết bà cũng đang ủng hộ phương án đệ đơn gia nhập NATO. Động thái này diễn ra sau khi Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển của bà Magdalena từ bỏ sự phản đối lịch sử trước khả năng Stockholm được trao quy chế thành viên của liên minh quân sự NATO.

NATO là một tổ chức quân sự thành lập năm 1949, ban đầu gồm Mỹ, Canada và một số nước Tây Âu. Theo quy định, việc kết nạp một thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả thành viên NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần khẳng định Thụy Điển và Phần Lan sẽ được chào đón nồng nhiệt nếu quyết định gia nhập NATO. Theo ông Stoltenberg, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có mối quan hệ mật thiết với liên minh quân sự này bởi hai quốc gia Bắc Âu thường xuyên tập trận chung với lực lượng của NATO.

Dự kiến, Thụy Điển và Phần Lan sẽ nộp đơn chính thức xin gia nhập NATO trong những ngày tới. Hiện các thành viên chủ chốt của NATO đều ủng hộ 2 nước trên gia nhập liên minh quân sự này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là nước thành viên truyền thống của NATO trong 70 năm qua, đang tỏ ra lo ngại xung quanh việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO trước những lý do về an ninh. Nếu những nghi ngại của Thổ Nhĩ Kỳ được cởi bỏ thì tiến trình kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO có thể sẽ chỉ cần đến vài tuần, ngay cả khi công đoạn phê chuẩn tại Quốc hội các nước đồng minh sẽ kéo dài tới cả năm.

Phần Lan có đường biên giới dài 830 dặm với Nga. Nếu nước này gia nhập NATO, biên giới trên bộ mà Nga chia sẻ với các vùng lãnh thổ NATO sẽ tăng gần gấp đôi. Thụy Điển không có biên giới trên bộ với Nga, song lại chung biên giới trên biển với nước này. Nga hiện chia sẻ đường biên giới trên bộ với 14 quốc gia, với 5 trong số đó là thành viên NATO gồm: Latvia, Estonia, Litva, Ba Lan và Na Uy.

Với đặc điểm địa lý như vậy, việc Helsinki và Stockholm "lên dây cót" gia nhập liên minh quân sự lớn nhất hành tinh có nguy cơ sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Moscow – vốn từ lâu đã nhiều lần tỏ rõ lập trường phản đối sự mở rộng của NATO.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Phần Lan gia nhập NATO sẽ là một "sự thay đổi căn bản" trong chính sách đối ngoại của nước này. "Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước trả đũa, cả về mặt quân sự - kỹ thuật và các khía cạnh khác, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia có thể phát sinh” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Trước bối cảnh trên, Tổng thống Phần Lan Niinisto cho biết, ngày 14/5, ông đã thông báo với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về quyết định gia nhập NATO của Helsinki. Còn Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde, ngày 15/5 cũng bày tỏ hy vọng rằng quan hệ giữa Nga và vùng Bắc Âu sẽ không bị kéo căng vì diễn biến này./.

T.Lan (Theo aljazeera, CNBC)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực