Tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Nagorny - Karabakh

Thứ năm, 22/10/2020 15:14
(ĐCSVN) – Trong hai ngày (20 và 21/10), Nga đã tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ với các Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan, trong bối cảnh các cường quốc đang hành động để “đảo chiều” các nỗ lực không mang lại kết quả và tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở khu vực Nagorny – Karabakh.
Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã tới thủ đô Moscow để  tham vấn về tình hình Nagorny - Karabakh. (Ảnh: TASS)

Trong tuyên bố phát đi ngày 21/10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng nước này - ông Sergei Lavrov - đã tiến hành các cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov và Armenia Zohrab Mnatsakanyan. Tuy nhiên, hai quan chức ngoại giao của Azerbaijan và Armenia không có cuộc gặp trực tiếp nào tại Moscow.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong khuôn khổ các cuộc thảo luận vừa diễn ra ở thủ đô Moscow, đại diện ngoại giao các nước đã thảo luận về những “vấn đề cấp bách” liên quan tới việc thực thi các thỏa thuận ngừng bắn, cũng như thiết lập các điều kiện phù hợp để hướng tới một giải pháp lâu dài cho vấn đề Nagorny - Karabakh. Về phía Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã ra thông cáo khẳng định nước này chỉ cử ông Bayramov tham dự các vòng tham vấn ở thủ đô Moscow. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Armenia Anna Nagdalyan cũng vừa xác nhận thông tin về cuộc gặp gỡ ngày 21/10 giữa ông Mnatsakanyan và ông Lavrov.

Hiện Nga, Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực để thuyết phục hai nước láng giềng Nam Capcaz chấm dứt các cuộc giao tranh đã bước sang tuần thứ 4 liên tiếp và cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội. Chuyến đi tới Moscow lần này của ông Bayramov và ông Mnatsakanyan diễn ra ngay trước thời điểm hai nhà ngoại giao sẽ đến Mỹ để gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Mike Pompeo vào ngày 23/10 tới. Tuy nhiên, tại Mỹ dự kiến cũng sẽ chỉ diễn ra các cuộc gặp riêng rẽ giữa Ngoại trưởng Mỹ với người đồng cấp Azerbaijan và Armenia, không có cuộc gặp ba bên. 

Trong cuộc gặp gỡ báo giới, ngày 21/10, ông Pompeo nhận định tình hình Nagorny – Karabakh không chỉ diễn biến phức tạp trên thực địa mà đây còn là một “tình huống ngoại giao phức tạp”. Cũng giống như hầu hết các nước châu Âu, Mỹ duy trì lập trường ủng hộ chấm dứt xung đột, hành động theo hướng hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời kêu gọi các bên không can dự, không kích động xung đột… Ngoại giao chính là giải pháp phù hợp để tháo gỡ cuộc xung đột này.

“Đây cũng là những nội dung mà tôi sẽ truyền đạt tới những đại diện ngoại giao Armenia và Azerbaijan trong cuộc gặp ngày 23/10… Tôi cũng rất nóng lòng được nghe họ trình bày về tình hình trên thực địa, cũng như cách thức có thể giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn. Điều này không chỉ là lợi ích tối ưu của nước Mỹ mà còn là lợi ích tối ưu của chính Armenia cũng như Azerbaijan” – ông Pompeo nói.

Sự đổ vỡ của hai thỏa thuận ngừng bắn

Nhiều ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. (Ảnh: AP)

Trong cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên ngày 9/10 tại Moscow giữa Armenia và Azerbaijan kể từ khi tái bùng phát giao tranh tại Nagorno-Karabakh, với sự trung gian hòa giải của Nga, hai nước đạt thỏa thuận ngừng bắn trên cơ sở nhân đạo. Theo đó, Armenia và Azerbaijan đồng ý sẽ tiến hành trao đổi tù nhân và thi thể người thiệt mạng trong những cuộc giao tranh. Các bên cũng nhất trí khởi động những cuộc đàm phán thực chất nhằm đạt được một giải pháp hòa bình sớm nhất có thể tại khu vực Nagorno-Karabakh, với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ trưa ngày 10/10, trên thực tế đã không thể phát huy hiệu lực do những cáo buộc vi phạm từ cả đôi bên.

Ngày 17/10, các Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan tiếp tục thông báo về việc đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mới có hiệu lực từ nửa đêm cùng ngày (tức 03 giờ sáng 18/10 theo giờ Việt Nam), sau gần 3 tuần xảy ra xung đột tại khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, tương tự thỏa thuận đầu tiên được đưa ra ngày 10/10, lệnh ngừng bắn thứ 2 này cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi còn chưa ráo mực.

Theo số liệu thống kê do Armenia cung cấp, đã có 772 binh sỹ và 36 thường dân nước này bị thiệt mạng kể từ khi các cuộc giao tranh bùng phát. Trong khi đó, Azerbaijan cũng thông báo về việc đã ghi nhận 63 trường hợp thương vong trong dân thường, song chưa tiết lộ thiệt hại quân sự.

Azerbaijan và lực lượng ly khai Armenia nắm quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh đã bị cuốn vào một cuộc tranh chấp kéo dài trong nhiều năm qua, kể từ sau cuộc chiến xảy ra vào những năm 1990 khiến 30.000 người thiệt mạng. Ngày 27/9, các cuộc giao tranh dữ dội đã xuất hiện trở lại tại khu vực tranh chấp, gióng lên hồi chuông báo động về “sự thiếu hiệu quả” của các nỗ lực trung gian hòa giải mà cộng đồng quốc tế theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua nhằm giải quyết vấn đề Nagorny – Karabakh.

Hiện phía Azerbaijan tuyên bố lực lượng của họ đã giành được quyền kiểm soát ở khu vực bên trong Nagorny – Karabakh cũng như các khu vực khác thuộc về lãnh thổ Azerbaijan do các lực lượng Armenia chiếm đóng. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng đã tuyên bố rằng nước này chỉ đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn, mà theo đó, Armenia đồng ý rút quân khỏi Nagorny – Karabakh cùng tất cả các vùng lân cận do các lực lượng Armenia chiến đóng.

Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan lại vừa lên tiếng kêu gọi sự thừa nhận quốc tế đối với vùng Nagorny – Karabakh, đồng thời khẳng định rằng người dân sinh sống tại khu vực này sẽ “không thể được an toàn” nếu phải tuân theo những luật lệ của Azerbaijan./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực