Tổng thống Joe Biden đề cử nữ Đại sứ đầu tiên tại Đức

Thứ năm, 01/07/2021 16:51
(ĐCSVN) - Các nguồn tin từ Chính phủ Đức ngày 30/6 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử bà Amy Gutmann làm Đại sứ Mỹ tại nước này.
Bà Amy Gutmann, Chủ tịch Đại học Pennsylvania và Viện Ivy League được đề cử
làm Đại sứ Mỹ tại Đức. (Ảnh: AP)

Bà Gutmann, 71 tuổi, là con gái một nạn nhân sống sót trong nạn Diệt chủng Do Thái của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Việc bổ nhiệm bà Ammy Gutmann cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và sự chấp thuận của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trước khi bà có thể đảm nhận vị trí này.

Nếu được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, bà Amy Gutmann sẽ chính thức trở thành Đại sứ Mỹ tại Đức, thay thế Phó Đại sứ, ông Robin Quinville.

Bà Gutmann là Chủ tịch Đại học Pennsylvania và Viện Ivy League kể từ năm 2016. Bà Amy Gutman cũng là chuyên gia về tiến trình dân chủ và sắc tộc và từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu vấn đề đạo đức sinh học dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama.

Theo nhận định của báo giới Đức, nếu bà Amy Gutmann trở thành Đại sứ Mỹ tại Đức, bà sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó có căng thẳng liên quan dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu mà Mỹ luôn phản đối.

Việc Mỹ bổ nhiệm bà Gutmann làm nữ Đại sứ đầu tiên tại Đức diễn ra sau những căng thẳng kéo dài giữa 2 nước dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là tín hiệu tích cực trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Đức, ông Richard Grenell đã từng cáo buộc Đức hủy hoại khả năng răn đe hạt nhân của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chỉ trích việc Đức tham gia vào đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.

Tháng 6/2020, ông Grenell từ chức Đại sứ Mỹ tại Đức và trở lại Mỹ để đảm nhiệm cương vị Giám đốc Tình báo Quốc gia dưới chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Sau khi Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grennell từ chức, Mỹ chưa bổ nhiệm chính thức đại diện khác mà chỉ định Phó Đại sứ Robin Quinville thay thế tạm thời.

Đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 dài 1.230 km vận chuyển khí tự nhiên từ Nga sang Đức là nguồn cơn dẫn đến những rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương những năm qua khi Mỹ cho rằng đường ống này có thể khiến Nga tăng cường ảnh hưởng với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Mỹ từ lâu chỉ trích dự án này, đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty tham gia xây dựng đường ống. Mỹ cũng đang tìm cách bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các mỏ đá phiến sang châu Âu, trong đó có một số quốc gia như Ba Lan, Latvia và Litva.

Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định dỡ bỏ trừng phạt với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 với lý do dự án này đã gần hoàn thành và việc tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt trên sẽ làm tổn hại quan hệ với châu Âu.

Quan hệ Mỹ - Đức đã được cải thiện đáng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, dù hai nước vẫn còn mâu thuẫn trong một số vấn đề.

Cách đây 2 tuần, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến công du 2 ngày tới Đức trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu. Hội kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Blinken đề cao “những giá trị và lợi ích chung” giữa Mỹ và cường quốc kinh tế lớn nhất châu Âu, cho dù rằng hai bên vẫn còn bất đồng về dự án đường ống dẫn nhiên liệu Dòng chảy Phương Bắc 2.

Trước đó, tại cuộc họp báo ở Berlin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng người đồng cấp Đức Heiko Maas cũng đã nhất trí về tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa Mỹ và Đức. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh sự cấp thiết phải xây dựng một liên minh xuyên Đại Tây Dương. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện tại cũng thể hiện rõ lập trường ủng hộ cho mối quan hệ này./.

Hoài Hà (Theo Reuters, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực