Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát, Haiti trượt dài bất ổn

Thứ năm, 08/07/2021 16:01
(ĐCSVN) – Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên án vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise và ví đây là một cơn địa chấn đối với đất nước Caribe nghèo khó. Người dân Haiti – vốn đã phải gồng mình sau một thời gian đất nước trượt dài trong khủng hoảng, thì nay lại đứng trước một tương lai đầy bất trắc.

Diễn biến mới về vụ ám sát Tổng thống Haiti

Binh sĩ có vũ trang bảo vệ hiện trường Tổng thống Moise bị ám sát ngày 7/7. (Ảnh:Reuters)

Rạng sáng 8/7, cảnh sát Haiti thông báo đã tiêu diệt được 4 lính đánh thuê và bắt giữ được 2 kẻ khác được cho là đã tham gia vào vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise tại tư gia ở thủ đô Port-au-Prince vào ngày hôm trước.  Tuy nhiên, danh tính của những nghi phạm và động cơ vụ tấn công đã không được tiết lộ.

Theo thông tin được công bố, vụ tấn công đã khiến nhà lãnh đạo 53 tuổi tử vong ngay tại chỗ, trong khi đệ nhất phu nhân Martine Moise bị thương nặng. Ban đầu, bà Moise  được điều trị tại một bệnh viện địa phương và hiện đã được chuyển Trung tâm Chấn thương Ryder  ở Mianmi (Mỹ). Hiện Đệ nhất phu nhân Haiti được đánh giá là đã qua cơn nguy kịch và đang trong tình trạng ổn định.

Từ ngày hôm nay (8/7), Haiti bắt đầu để quốc tang 2 tuần để tưởng nhớ cố Tổng thống Moise.

Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph  đã ban bố "tình trạng bị bao vây" ở quốc gia Caribe sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào rạng sáng 7/7. Luật Haiti chia các tình huống khẩn cấp ở quốc gia theo ba cấp độ từ thấp đến cao,  từ "tình trạng khẩn cấp" tới "tình trạng bị bao vây" và cuối cùng là "tình trạng chiến tranh". Việc ban bố tình trạng bị bao vây có nghĩa rằng, tất cả biên giới Haiti sẽ bị đóng và áp đặt thiết quân luật, theo đó quân đội và Cảnh sát Quốc gia Haiti (HNP) được trao quyền để thực thi pháp luật.

Sau vụ tấn công, sân bay ở thủ đô Port-au-Prince đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, các nhân chứng cho biết thành phố này rất yên tĩnh với đường phố vắng vẻ và không có thêm lực lượng an ninh tuần tra. Cuối ngày 7/7, cảnh sát Haiti khẳng định họ đã kiểm tra tình hình ở thủ đô sau vụ ám sát Tổng thống.

Phát biểu trên truyền hình, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia Haiti Leon Charles cho biết: "Chúng tôi đã tiêu diệt 4 tên lính đánh thuê, bắt giữ hai đối tượng khác. Ba cảnh sát bị bắt làm con tin đã được giải cứu… Vụ ám sát xảy ra vào khoảng 1 giờ 00 phút sáng (0500 GMT) tại nhà ông Moise."

Ông Charles miêu tả, các vỏ đạn có thể được nhìn thấy trên đường phố bên ngoài khi các chuyên gia pháp y rà soát hiện trường để tìm bằng chứng, và một chiếc ô tô gần đó bị bắn thủng nhiều lỗ đạn với một cửa sổ bị vỡ. Theo quan chức này, ngay sau khi Tổng thống Moise và Đệ nhất phu nhân Martine Moise bị ám sát, cảnh sát đã ngay lập tức truy lùng thủ phạm. Hiện lực lượng an ninh đang tiến hành chiến dịch điều tra ở thủ đô Port-au-Prince.

Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia Haiti tiết lộ, Tổng thống đã bị ám sát tại nhà riêng bởi những tay súng nước ngoài nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Phát biểu trước người dân Haiti, ông Charles cam kết vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng và những kẻ gây án phải chịu hình phạt thích đáng.

Trong khi đó, Đại sứ Haiti tại Mỹ Bocchit Edmond lại miêu tả thủ phạm là lính đánh thuê chuyên nghiệp, cải trang thành đặc vụ của Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ. “Chúng tôi có 1 đoạn video và chúng tôi tin rằng, hung thủ là lính đánh thuê” – ông Edmond nói.

Quốc gia nghèo nhất châu Mỹ bên bờ vực bạo lực chính trị

Lực lượng an ninh Haiti phản ứng ngay sau khi Tổng thống Moise bị ám sát. (Video: miamiherald) 

Haiti là một quốc đảo có diện tích hơn 27.000 km2 và là nước đông dân nhất vùng Caribe. Quốc gia nghèo nhất ở châu Mỹ này vẫn đang chật vật với quá trình tái thiết sau thảm họa động đất năm 2010 khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và mất tích.

Ông Jovenel Moise, 53 tuổi, lên nắm quyền tại Haiti từ tháng 2/2017 thay thế cựu Tổng thống Michel Martelly và đã trải qua nhiều biến cố. Ông phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và bị thách thức bởi làn sóng biểu tình bạo lực chống chính phủ. Trong thời gian trở lại đây, đất nước Haiti đã trượt dài trong bất ổn chính trị, các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc gia tăng, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của các băng nhóm vũ trang tại nước này. Không những thế, Haiti còn đối mặt với nghèo đói liên miên và thiên tai kéo dài.

Vụ ám sát Tổng thống Moise còn được dự báo là sẽ đẩy đất nước Haiti vào một tình huống rối ren khi chưa biết ai sẽ thay ông lên nắm quyền lãnh đạo. Theo thứ tự nắm quyền ở Haiti, Chánh án tòa án tối cao sẽ kế nhiệm tổng thống khi có biến cố xảy ra, tuy nhiên người giữ vị trí này là ông René Sylvestre' lại vừa qua đời vì COVID-19.

Thủ tướng lâm thời Claude Joseph muốn chính thức trở thành người kế nhiệm Tổng thống thì phải được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, do các cuộc bầu cử không được tổ chức, quốc hội hiện đã giải tán, do đó theo hiến pháp thì ông Joseph cũng không thể trở thành người kế nhiệm.

Không có Quốc hội cũng chính là nguyên nhân khiến Haiti bị rơi vào khủng hoảng sâu từ năm 2020 và dẫn tới việc cố Tổng thống Moise buộc phải điều hành đất nước bằng sắc lệnh. Điều này đã khiến niềm tin của người dân dành cho nhà lãnh đại Haiti ngày càng giảm sút.

Theo đánh giá của Thủ tướng lâm thời Joseph thì hiện tình hình an ninh của đất nước đang nằm trong tầm kiểm soát của cảnh sát và quân đội. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế lo ngại tình hình tại Haiti có thể sớm vượt khỏi tầm kiểm soát. Phát biểu trên kênh truyền hình France 24, cựu Đại sứ Pháp tại Haiti - ông Didier Le Bret, nhận định tình hình chính trị tại Haiti không ổn định, có thể dẫn đến bạo lực quy mô lớn. 

Cộng đồng quốc tế lên án vụ ám sát

Cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise. (Ảnh: UN)

Vụ ám sát Tổng thống Moise đã trở thành sự kiện chấn động, thu hút sự chú ý tại khu vực châu Mỹ và cộng đồng thế giới. Dự kiến, trong ngày hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận về tình hình Haiti. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã mạnh mẽ lên án vụ ám sát và khẳng định tinh thần sát cánh bên người dân Haiti.

Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án vụ ám sát Tổng thống Moise và coi đây là một hành vi man rợ. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ Haiti trong phạm vi có thể.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lại kêu gọi người dân Haiti thúc đẩy tiến trình bầu cử. Theo quan điểm của bà Price thì một cuộc bầu cử công bằng sẽ đặt nền móng cho một tiến trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình và giúp người dân Haiti có Tổng thống mới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi người dân Haiti đoàn kết và bác bỏ mọi hành vi bạo lực.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell lại cảnh báo nguy cơ bất ổn và vòng xoáy bạo lực mới tại Haiti.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cũng lên án vụ sát hại nhà lãnh đạo Haiti, kêu gọi sự ổn định và hòa bình, ngăn chặn khủng hoảng chính trị sau biến cố.

Tổng thống Colombia Ivan Duque thì trực diện hơn khi gọi vụ ám sát là hành động "hèn nhát và man rợ". Ông kêu gọi Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) cử một phái bộ khẩn cấp tới Haiti để bảo vệ trật tự dân chủ sau vụ ám sát.

Cũng như các cuộc bầu cử tổng thống, lập pháp và địa phương, Haiti sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp vào tháng 9/2021 sau hai lần trì hoãn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, số phận của cuộc trưng cầu dân ý và tương lai của người dân Haiti vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực