Tổng thống Nam Phi kêu gọi G7 thực hiện cam kết hỗ trợ tài chính

Thứ hai, 14/06/2021 11:36
(ĐCSVN) – Ngày 13/6, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Anh, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã hối thúc các quốc gia giàu có nhất thế giới hiện thực hóa cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính cho chương trình ACT-A (tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7. (Ảnh: AP)

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này với tư cách khách mời cho biết, nhóm các nước G7 chiếm tới hơn 50% sản lượng toàn cầu, nên đóng góp phần tài chính tương ứng cho chương trình ACT-A, cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19.

“Nếu tất cả các nước G7 đạt được mục tiêu chia sẻ công bằng, sáng kiến này sẽ nhận được 2/3 số tiền tài trợ cần thiết”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói.

Bên cạnh đó, ông Ramaphosa cho biết thêm, chương trình ACT-A sẽ có được đến 90% số tiền cần thiết nếu các quốc gia thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tham gia.

Cơ chế ACT-A của WHO được khởi động vào ngày 24/4/2020 với tầm nhìn là tạo ra cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Tổng thống Nam Phi cảnh báo, sẽ có thêm nhiều người mất đi tính mạng nếu các cam kết hỗ trợ tài chính không được thực hiện ngay lập tức. Nhà lãnh đạo Nam Phi cũng đồng thời kêu gọi các quốc gia G7 ủng hộ tạm thời miễn trừ đối với Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) cho các bằng sáng chế vaccine COVID-19. Theo ông, việc miễn trừ này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan và đột biến của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, ông Ramaphosa cũng thúc giục các quốc gia G7 như tham gia vào các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Theo WHO, khoảng 90% các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho ít nhất 10% dân số trong bối cảnh đợt dịch COVID-19 thứ 3 bùng phát trên toàn châu lục.

Theo ghi nhận, tính đến nay, châu Phi đã có hơn 5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 135.000 trường hợp tử vong. Hiện, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với hơn 1,74 ca nhiễm COVID-19 và hơn 57.000 ca tử vong vì dịch bệnh.

Theo Tổng thống Nam Phi Ramaphosa: “Nếu thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này, điều cần thiết là chúng ta phải cùng nhau hợp tác để huy động và hướng nguồn lực đến những quốc gia cần hỗ trợ nhiều nhất”.

Trước đó, diễn ra từ ngày 11-13/6 (giờ địa phương) tại Cornwall, phía Tây Nam vùng England (Anh), Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.

Tại Hội nghị, những vấn đề đáng chú ý nhất được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận cũng là những vấn đề được thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có kế hoạch phục hồi sau đại dịch, kế hoạch phân phối và chia sẻ vaccine COVID-19.

Trước khi sự kiện này diễn ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson, đại diện nước chủ nhà cho biết, các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.

Anh tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Mỹ cũng đã thông báo tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều./.

Hoài Hà (Theo Reuters, Channelnewsasia.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực