Tổng thư ký LHQ: Kết quả Hội nghị COP26 quan trọng nhưng “chưa đủ”

Thứ hai, 15/11/2021 14:49
(ĐCSVN) – Sau quá trình đàm phán kéo dài quá hạn chót hơn 24 tiếng, 197 nước tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã đạt được những tiến bộ nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kết quả quan trọng này vẫn là “chưa đủ”. Chúng ta vẫn đang đứng bên bờ vực thảm họa khí hậu.
 Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại COP26. Ảnh: Reuters.

Kết thúc Hội nghị COP26, người đứng đầu Liên hợp quốc đã ra tuyên bố hoan nghênh tiến triển ở Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland. Tuy nhiên, ông Guterres vẫn cảnh báo thế giới đang đứng trước bờ vực “thảm họa” biến đổi khí hậu và thỏa thuận tại COP26 vẫn còn cách xa so với khuyến cáo khoa học.

Truyền thông nước ngoài, ngày 14/11 dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá, việc các bên tham dự Hội nghị COP26 kéo dài trong 2 tuần qua phê chuẩn các nội dung văn bản đã là một sự thỏa hiệp. Điều này phản ánh lợi ích, điều kiện, mâu thuẫn và ý chí chính trị của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng tỏ ra tiếc nuối khi ý chí chính trị tập thể đã không đủ lớn để các bên tham dự Hội nghị vượt qua một số bất đồng sâu sắc.

"Khoa học cho chúng ta biết rằng ưu tiên tuyệt đối phải là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhanh, sâu và bền vững trong thập kỷ này, cụ thể là cắt giảm 45% vào năm 2030 so với mức 2010. Nhưng ngay cả khi các Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) được thực hiện đầy đủ, thì lượng khí thải trong thập kỷ này vẫn sẽ tăng theo một lộ trình rõ ràng và khiến nhiệt độ tăng trên ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp” – Tổng thư ký Liên hợp quốc nói.

Ông Guterres hoan nghênh việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận ở Glasgow về đẩy nhanh các hành động giảm phát thải vào những năm 2020. Tuy nhiên, để giúp giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác, người đứng đầu Liên hợp quốc đề nghị cần phải xây dựng các liên minh hỗ trợ bao gồm các nước phát triển, các tổ chức tài chính, những nước có bí quyết kỹ thuật. 

“Điều này rất quan trọng để giúp từng quốc gia mới nổi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than đá và thúc đẩy quá trình xanh hóa nền kinh tế của họ... Tôi muốn đưa ra lời kêu gọi đặc biệt để thực hiện công việc tương lai của chúng ta liên quan đến sự thích ứng cũng như những tổn thất mà chúng ta gặp phải. Thích ứng không phải là vẫn đề kỹ trị, mà đó là sự sống hay cái chết. Bảo vệ các quốc gia khỏi thảm họa khí hậu không phải là việc làm từ thiện. Mà đó là khi chúng ta nhận ra những lợi ích riêng của mình và cùng nhau đoàn kết lại” – ông Guterres nói.

 Một người biểu tình kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tại  Hội nghị COP26 ngày 13/11. Ảnh:Reuters

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, ngày nay, thế giới đang đứng trước một cuộc khủng hoảng khí hậu khác. Đó là một bầu không khí thiếu tin tưởng đang bao trùm toàn cầu. Hành động vì khí hậu có thể giúp khôi phục niềm tin và uy tín. Điều đó cũng có nghĩa rằng, chúng ta cần thực hiện mục tiêu cam kết tài trợ 100 tỷ USD để thực hiện cam kết hỗ trợ khí hậu cho các nước đang phát triển.

Hội nghị COP26 đã tạo ra một số nền tảng cho sự tiến bộ, bao gồm việc đưa ra những cam kết chấm dứt nạn phá rừng, giảm mạnh phát thải khí mê-tan, huy động tài chính tư nhân để đưa lượng khí phát thải ròng về mức 0.

Hiệp ước khí hậu Glasgow cũng tái khẳng định quyết tâm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, tăng cường tài chính cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu để thích ứng, thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương và đang chịu những thiệt hại không thể khắc phục được do biến đổi khí hậu. Lần đầu tiên, văn bản được đưa ra sau hội nghị đã khuyến khích các tổ chức tài chính quốc tế xem xét các yếu tố dễ bị tổn thương do khí hậu trong các hoạt động hỗ trợ tài chính cùng các hình thức hỗ trợ khác, bao gồm Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Một điểm đáng chú ý khác là Hiệp ước khí hậu Glasgow cũng bao gồm những nội dung gần gũi với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu liên quan tới thị trường carbon và tính minh bạch.

Bày tỏ lạc quan thận trọng về tương lai của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, người đứng đầu Liên hợp quốc nói: “Thành công hay thất bại không tự nhiên có mà nằm trong tay chúng ta. Con đường để đi tới sự tiến bộ không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà đôi khi có những khúc quanh co… Nhưng tôi biết là chúng ta có thể đến đích. Chúng ta đang chiến đấu vì cuộc sống của mình và cuộc chiến này phải giành được phần thắng. Đừng bao giờ bỏ cuộc và cũng đừng bao giờ lùi bước. Hãy tiến về phía trước”.

Kết thúc bài phát biểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc dẫn lời nhà văn vĩ đại Scotland Robert Louis Stevenson: “Đừng đánh giá mỗi ngày bằng mùa màng bạn gặt hái được, hãy đánh giá bằng những hạt giống bạn đã gieo trồng”. Từ đó, ông Guterres chỉ ra rằng, con người ngày càng gieo trồng thêm những hạt giống trên đường đi của mình. “Chúng ta có thể không thể đi đến đích chỉ trong một ngày hay bằng một Hội nghị. Nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể làm được điều đó. Chúng ta đang chiến đấu vì chính cuộc sống của chúng ta. Hội nghị COP27 đã bắt đầu từ ngay giây phút này”./.

 
T.Lan (Theo UN.org. Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực